Ngành thuế nhận lỗi vì để tiểu thương hiểu nhầm

Nếu hộ kinh doanh xuất hóa đơn sẽ tính thuế trên hóa đơn đó; ngược lại, nếu không xuất hóa đơn thì chỉ tính thuế khoán.

Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính không nhằm mục tiêu ép các tiểu thương phải thành lập doanh nghiệp.

Trên đây là khẳng định của ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều 2-10.

Sợ bị lợi dụng

Tại cuộc họp báo, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Thông tư 92/2015 quy định tiểu thương nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn. Nhiều tiểu thương ở TP.HCM cho rằng quy định như vậy là thu thuế trùng, thuế chồng thuế?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng Thông tư 92 không nhằm tăng thu ngân sách. Qua báo chí phản ánh cho thấy có thể nhiều tiểu thương bức xúc nhưng các băn khoăn, kiến nghị của các hộ kinh doanh có thể là do chưa hiểu bản chất của quy định. Nguyên nhân do cơ quan thuế chưa làm tốt công tác tuyên truyền.

“Doanh thu trên hóa đơn sẽ thu trên thực tế phát sinh, do đó sẽ không có chuyện chồng chéo” - ông Trí nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn câu chuyện này, trao đổi bên lề cuộc họp báo, bà Tạ Phương Lan, Vụ phó Vụ Thuế thu nhập cá nhân Tổng cục Thuế, lý giải thông tư này ra đời với mục đích quản lý chặt chẽ các hộ khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế. Qua đó nhằm hạn chế việc hộ khoán lợi dụng hóa đơn của cơ quan thuế vì các mục đích hợp thức hóa chi phí đầu vào cho doanh nghiệp hoặc các đơn vị sử dụng tiền ngân sách nhà nước.

Ngành thuế nhận lỗi vì để tiểu thương hiểu nhầm - 1

Hộ kinh doanh nộp thuế khoán không sử dụng hóa đơn được nộp thuế theo mức thu phù hợp. Ảnh: Q.NHƯ

“Nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán do không phải thực hiện sổ sách kế toán, không phải chứng minh hàng hóa đầu vào nên đã lợi dụng hóa đơn của cơ quan thuế để xuất khống hàng hóa, dịch vụ cho các đối tượng khác sử dụng nhằm hợp thức hóa chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng tiền ngân sách nhà nước” - bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho biết trước đây hộ kinh doanh nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán. Nghĩa là mức khoán được xây dựng bao gồm cả hóa đơn. Chẳng hạn như năm đó hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn hết 10 tỉ đồng, theo quy định, thuế sẽ được tính trên mức khoán 10 tỉ đồng đó. Nếu xuất hóa đơn trên 10 tỉ đồng thì sẽ thu phần chênh lệch.

Tuy nhiên, theo quy định mới, đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không sử dụng hóa đơn thì doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xây dựng theo mức thu phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề, quy mô,…

Theo bà Lan, sở dĩ ngành thuế áp dụng quy định này vì việc xuất bao nhiêu hóa đơn trong một năm chỉ có hộ kinh doanh mới nắm rõ. Cơ quan thuế không thể biết chính xác khoản xuất hóa đơn nếu tính gộp vào mức khoán. Từ đó, bà khuyến cáo: “Nếu hộ kinh doanh xuất hóa đơn với số lượng lớn thì nên thành lập doanh nghiệp”.

Không đề xuất sửa Thông tư 92

Trước câu hỏi của chúng tôi rằng nhiều tiểu thương cho biết họ không thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH như cơ quan thuế mong muốn…, bà Lan nói các hộ kinh doanh với quy mô lớn, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp, sử dụng nhiều lao động cần thiết phải được chuyển lên doanh nghiệp. Bởi cơ quan thuế quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp theo sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.

“Việc này sẽ rất có lợi cho cơ sở kinh doanh vì sẽ chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, không bị phụ thuộc vào việc ấn định thuế của cơ quan thuế, tránh tình trạng bị nhũng nhiễu, thỏa thuận ngầm” - bà Lan giải thích.

Đối với doanh nghiệp, việc xuất hóa đơn đầu ra luôn phải tương ứng với hàng hóa, dịch vụ đầu vào. Từ lập luận trên, bà Lan nhấn mạnh: “Chủ trương tuyên truyền để các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn nhằm bảo về quyền lợi của người nộp thuế và của người lao động trong các cơ sở này. Do vậy, Tổng cục Thuế sẽ không đề xuất Bộ Tài chính sửa Thông tư 92”.

Hai kịch bản của ngành thuế đưa ra trong năm 2016

Đối với hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, không sử dụng hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế sẽ xây dựng mức doanh thu khoán phù hợp với thực tế không bao gồm doanh thu hóa đơn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế theo doanh thu khoán và doanh thu theo hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh.

Đối với hộ kinh doanh lớn chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, thường xuyên phải sử dụng nhiều hóa đơn thì sẽ được cơ quan thuế tuyên truyền để thành lập doanh nghiệp. Trong thời gian chưa chuyển lên doanh nghiệp các hộ kinh doanh này cũng vẫn nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xây dựng cho doanh thu không xuất hóa đơn, còn đối với doanh thu xuất hóa đơn sẽ nộp thuế theo thực tế phát sinh trên hóa đơn.

Không tăng thuế đột biến với tiểu thương

Chiều 2-10, các tiểu thương tại thương xá Đồng Khánh (còn gọi là chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5, TP.HCM) được mời đến làm việc với Ban quản lý thương xá, Chi cục Thuế quận 5, đại diện Cục Thuế TP.HCM về cách tính thuế cho năm 2016.

Cơ quan thuế khẳng định sẽ không tăng thuế của tiểu thương lên gấp đôi theo cách tính thuế của Thông tư 92/2015. Cơ quan này cũng cam kết số thuế sẽ không tăng đột biến. Khi xác định doanh thu khoán để tính thuế cho năm 2016 sẽ không bao gồm doanh thu ghi trên hóa đơn.

Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi của tiểu thương về việc thuế của họ sẽ tăng, giảm cụ thể thế nào vào năm sau thì cơ quan thuế chưa thể trả lời rõ ràng cho từng trường hợp được. Dự kiến cuối tháng 10, các tiểu thương sẽ cùng cán bộ thuế xác định doanh thu tính thuế cho năm 2016, khi đó mới rõ số thuế cụ thể.

Quỳnh Như

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN