Ngành thép cần "giải cứu" khẩn cấp

Quý I/2013 ngành thép có bước khởi sắc, tiêu thụ tháng 3 tăng hơn tháng trước, tuy nhiên mức tiêu thụ so với quý I/2012 vẫn thấp hơn, trong đó tiêu thụ của Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ tăng 4% (đã tính cả yếu tố trượt giá).

Theo Bộ Xây dựng, lượng thép sản xuất của toàn ngành trong tháng 3 đạt khoảng 270.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với tháng 2/2013 nhưng giảm 80.000 tấn (20%) so với cùng kỳ. Ước sản xuất của quý I/2013 đạt 867.000 tấn, giảm 30.000 tấn (-5%) so với cùng kỳ, do lượng cầu kém.

Tiêu thụ tháng 3 ước đạt khoảng 260.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với tháng trước và giảm 135.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ước tiêu thụ thép quý I/2013 đạt 910.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ.

Tuy vậy, lượng thép tồn kho tính đến 15/3 khoảng 330.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Về thép nhập khẩu, theo số liệu Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu tính đến tháng 3 đạt 800.000 tấn, giá trị 574.000 USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy đã giảm nhưng lượng thép nhập khẩu vẫn còn khá cao so với sản lượng thép và tiêu thụ trong nước.

Theo thông tin từ Tổng công ty Thép Việt Nam- cho biết: Sản lượng thép các loại của Tổng công ty trong quý I ước đạt khoảng 303,2 nghìn tấn, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng ước đạt 266,2 nghìn tấn, giảm 14,7% so với năm 2012.

Ngành thép cần "giải cứu" khẩn cấp - 1

Thép nhập ngoại lấn át

Theo Hiệp hội thép, nguyên nhân khiến thị trường thép vẫn trì trệ là do thị trường bất động sản vẫn đóng băng, trong khi lượng cung vượt cầu quá xa, cùng với sức ép của thị trường do thép Trung Quốc giá rẻ vẫn nhập vào Việt Nam quá nhiều khiến cho thép nội phải cạnh tranh gay gắt, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong nước. Cùng với đó, đầu vào cho sản xuất thép lại tăng cao, nhưng giá bán niêm yết (chưa VAT, chưa trừ chiết khấu) của các đơn vị sản xuất thép vẫn tương đối ổn định, như tại miền Bắc Thép cây phổ biến từ 13,55 - 14,65 triệu đồng/tấn; Thép cuộn phổ biến từ 13,7 - 14,65 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, thép cây ở mức từ 16,32 - 16,97 triệu đồng/tấn; thép cuộn ở mức từ 16,32 - 16,61 triệu đồng/tấn. Giá bán thực tế tại nguồn (chưa VAT) hiện ở mức: tại miền Bắc từ 13,1 - 14,3 triệu đồng/tấn đối với thép cây và thép cuộn, tại miền Nam hiện phổ biến từ 13,5 - 14,2 triệu đồng/tấn.

Giá bán lẻ tại một số địa phương tăng từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn và tại miền Bắc hiện giá dao động ở mức từ 16 -18 triệu đồng/tấn, tại miền Nam giá từ 16,5 - 18,2 triệu đồng/tấn.

Nhanh chóng "giải cứu" cho các dự án thép

Ông Lê Phú Hưng- Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam- cho biết: Trong lúc còn khó khăn về sản xuất và tiêu thụ thì hiện nay Tổng công ty đang triển khai 2 dự án trọng điểm là gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai và Nhà máy thép Lào Cai. Dự kiến, tháng 7/2012 Nhà máy thép Lào Cai cho ra mẻ phôi thép đầu tiên, nhưng do tổng thầu MCC không đáp ứng đủ năng lực nên khó thực hiện đúng tiến độ, có khả năng phải kéo dài đến hết năm 2013 nhà máy mới cho ra sản phẩm.

Cùng với đó, Dự án thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có công suất 500.000 tấn/năm, lũy kế từ khi khởi công đến quý I/2013 là 3.684/3.843 tỷ đồng, khối lượng thực hiện và giải ngân đạt 95%. Hiện nay dự án triển khai chậm tiến độ dự kiến, nguyên nhân một phần cũng do các nhà đầu tư phụ dần chuyển sang... "Hiện tại khó khăn nhất là điều chỉnh mức đầu tư"- ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, các dự án kéo dài đã gây ảnh hưởng đến tài chính của chủ đầu tư. Chỉ tính riêng phần lãi suất ngân hàng đến nay đã thiệt hại đến 700 tỷ đồng. Do đó, Tổng công ty cần sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Công Thương để để nhanh chóng thông qua điều chỉnh mức đầu tư cho phù hợp.

Ngoài ra, trong đề án tái cơ cấu của Tổng công ty thép đã được phê duyệt. Nhưng khó khăn về vốn nên các đơn vị hoạt động không đạt hiệu quả. Trong tái cơ cấu của Tổng công ty có nhiều khó khăn, nhất là vấn đề triển khai dự án mới về nguồn cung cấp điện, như: Dự án thép Hậu Giang, hiện tại mặt bằng đã có, tỉnh ủng hộ chủ trương, nhưng theo quy hoạch ngành điện thì đến tháng 2/2016 mới cung cấp điện. Như vậy, phải đến năm 2014 Tổng công thép mới triển khai được dự án này.

Khó khăn chưa giải tỏa, nhưng mùa khô lại sắp tới nên các nhà sản xuất thép rất lo lắng, hàng loạt nhà máy sản xuất cầm chừng nhưng vẫn xảy ra tình trạng sản xuất thiếu điện khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm cho người lao động. Nếu tình trạng thiếu điện kéo dài, chắc chắnì ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đặc biệt là khu vực phía Nam do khô hạn nhiều nên rất khó khăn. Vì thế, do đó Bộ Công Thương cần xem xét, hỗ trợ ngành thép để phần nào giải thoát khó khăn.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Tuyến (Báo Công Thương)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN