Ngành sữa Việt Nam đang đi đúng hướng

Với việc đầu tư trang trại quy mô lớn kết hợp chăn nuôi nông hộ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đang phát triển hết sức mạnh mẽ với phương châm “đi tắt đón đầu”.

Sữa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới

Ông Trịnh Quý Phổ- Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam khẳng định, hiện nay ngành sữa đang hòa nhập với ngành sữa thế giới, hàng năm kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt trung bình 200 triệu USD. Công nghệ sản xuất và chế biến sữa tại Việt Nam là công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

Trước một số thông tin cho rằng, ngành sữa Việt Nam đi ngược với ngành sữa thế giới, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, không tin như vậy là không có cơ sở. Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây đàn bò sữa đã tăng lên nhanh chóng.

“Thông tin chính thức từ Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi và các cơ quan quản lý nhà nước khác là không có chuyện ngành sữa Việt Nam đi ngược thế giới”- Ông Vang nói. “Khi vấn đề này nêu lên sẽ làm cho thế giới hiểu sai về ngành sữa Việt Nam và làm ảnh hưởng đến xuất khẩu sữa của Việt Nam”- Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam Trịnh Quý Phổ nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đây là yếu tố rất bất lợi trong chăn nuôi bò sữa. Ngành chăn nuôi bò sữa trong suốt 40 năm qua đã có nhiều cách giải quyết, bước đi khác nhau.

Ngành sữa Việt Nam đang đi đúng hướng - 1

Bò sữa New Zealand do Cty Vinamilk nhập về qua đường hàng không

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây do thay đổi phương thức nghiên cứu về giống kết hợp nuôi dưỡng hợp lý và nhất là 5 năm gần đây với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn nên chăn nuôi bò sữa đang đứng trước cơ hội mới cho phát triển bền vững tốt nhất từ trước tới nay.

“Tổng đàn bò sữa năm 2012 có 167 ngàn con dự kiến sẽ tăng lên 500 ngàn con vào 2020. Tổng sản lượng sữa tươi tăng lên gần gấp 3 lần, từ 381,7 ngàn tấn hiện nay lên 1 triệu tấn vào 2020”- Ông Vang nói.

Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã áp dụng mô hình “thực hành chăn nuôi bò sữa tốt” theo khuyến cáo của fao (Good Dairy Farming Practices - gdfp), cùng hệ thống kiểm soát và đảm bảo chất lượng sữa tươi được thiết lập dựa trên nền tảng iso 22000, với những công cụ kiểm soát chặt chẽ, xuyên suốt trong chuỗi thu mua sữa (từ trang trại đến nhà máy) đã giúp nông dân ngày càng nâng cao khả năng tự kiểm soát và sản xuất ra sữa tươi an toàn, chất lượng cao.

Đặc biệt, Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) vừa cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho hai Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại tỉnh Tuyên Quang và Nghệ An. Điều này sẽ giúp cho các Trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Vinamilk kiểm soát được chất lượng nguyên vật liệu đầu vào tốt hơn.

Tất cả các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, khai thác và bảo quản sữa của trang trại đều theo quy trình, tiêu chuẩn, hướng dẫn công việc rõ ràng, đồng thời mọi nhân viên đều được đào tạo trước khi đảm nhận công việc.

Tất cả các công việc đều được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, năng lực của nhân viên đồng đều và ngày càng nâng cao giúp cho chất lượng sản phẩm đầu ra sẽ ngày càng ổn định. Đồng thời giảm giá thành sản phẩm do giảm các sản phẩm sai hỏng ngay từ đầu và lợi nhuận tăng cao hơn nhờ áp dụng hiệu quả các quy trình sản xuất.

Hiện nay Vinamilk tiếp tục triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác vào trong hoạt động chăn nuôi bò sữa như tiêu chuẩn Global GAP, ISO 22000 và HACCP.

Dựa vào nông dân để phát triển

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, nông dân Việt Nam hiện nay có trình độ chăn nuôi khá cao. Năng suất sữa của các hộ nông dân Việt Nam hiện đạt gần 5 tấn/con/năm đối với bò lai, và 7 tấn/con/năm đối với bò thuần chủng. Hiện nay, rất nhiêu mô hình chăn nuôi bò sữa của nông dân cho hiệu quả cao.

Tại Mộc Châu (Sơn La), hơn 10.000 bò sữa đang được nuôi trong dân. Tại những vùng như Củ Chi (TP.HCM), Ba Vì (Hà Nội), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)... hàng nghìn hộ nông dân đã làm giàu từ nghề nuôi bò sữa và quy mô nông hộ ngày càng được mở rộng với sự đầu tư, liên kết với các công ty sữa lớn như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam...

“Chăn nuôi nông hộ là hướng đi bền vững để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngay tại Mỹ, Israel ngành chăn nuôi đã phát triển đến trình độ cao thì chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại và phát huy hiệu quả. Hiện nay năng suất sữa của nông dân Việt Nam là cao nhất Đông Nam Á”- Ông Vang cho biết.

Ông Trịnh Quý Phổ cho biết, Hiệp hội sữa Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp trong Hiệp hội liên kết với nông dân để hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi và thu mua sữa tươi của nông dân. Đây là một bài toán phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

“Vừa qua có những thông tin so sánh không đúng về chất lượng sữa tươi của nông dân. Hiệp hội chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ nông dân và ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam”- Ông Phổ khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN