Ngành chăn nuôi lao đao với nạn nhập lậu gia cầm
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta khiến ngành chăn nuôi lao đao, doanh nghiệp bị thua lỗ nặng nề.
Chiều nay, 17-10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.
Thông tin tại hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết hiện nay, chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Đại diện Cục Thú y dẫn số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: AH
Chia sẻ thêm về thực trạng này, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết thời gian gần đây, qua nắm tình hình thực tế và thông tin báo chí phản ánh, cho thấy tỉnh xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình.
“Các đối tượng có thủ đoạn rất manh động, lợi dụng đêm tối để mang vác nhỏ lẻ hàng qua hàng rào biên giới rồi vận chuyển bằng xe máy vào nội địa” - Ông Quỳnh cho hay.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhận định, thời gian tới tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy UBND tỉnh sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát dọc biên giới, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan khác, lập các chuyên án, phối hợp lực lượng biên phòng xử lý tốt các trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, lo ngại tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên đã, đang và sẽ tiếp tục gây hậu quả nặng nề với ngành chăn nuôi trong nước, không chỉ phá vỡ thị trường mà còn gây ra các nguy cơ về an toàn dịch bệnh.
“Tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước càng khó khăn hơn. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp bị thua lỗ nặng nề như hiện tại” - Ông Sơn nói.
Tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ gây nhiều tác động tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh: NNVN
Chia sẻ tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 10 năm qua, quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Do vậy, ngành chăn nuôi phải tiếp tục lớn mạnh, đứng vững, không thể để bị phá hoại từ bên ngoài.
Theo Thứ trưởng, hiện hệ luỵ từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Bởi vậy công tác chống buôn lậu, chống nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hàng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.
"Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoạt động có hiệu quả” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Do phụ thuộc nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi trong nước biến động mạnh thời gian qua. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn, góp phần giúp ngành này phát triển,...
Nguồn: [Link nguồn]