Ngành bán lẻ: Kẻ khóc, người cười
Kinh tế khó khăn là bài kiểm tra nghiệt ngã về sức khỏe của doanh nghiệp bán lẻ.
Quý I-2012, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã phải đóng cửa, cắt giảm chi nhánh. Lý do chung là “kinh tế khó khăn”, “người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu”, “sức mua giảm”. Cùng chịu chung điều kiện kinh tế-xã hội, thế nhưng nhiều DN khác lại hớn hở khai trương siêu thị mới, cửa hàng mới. Có mâu thuẫn không?
Lượm lặt thị phần
Ở ngành hàng điện, điện tử, tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Thế giới di động khai trương cửa hàng dienmay.com mới tại Buôn Ma Thuột, nhắm vào thị trường 500.000 người tại tỉnh này và tỉnh lân cận.
Ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc hệ thống cửa hàng dienmay.com, cho biết lâu nay, hầu hết các trung tâm điện máy đều mở ở vị trí trung tâm TP.HCM. Do đó, dienmay.com đã “đột” vào những vùng ven mà thị trường còn bỏ ngỏ như Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân và các tỉnh, thành như Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bình Dương.
Cùng “chiến thuật” trên, Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim cũng mở siêu thị ở Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước và Buôn Ma Thuột. Ông Nguyễn Thanh Sử, trợ lý tổng giám đốc của Nguyễn Kim, cho biết trước đây công ty tập trung cho các thị trường lớn như TP.HCM, Đà Nẵng thì nay đang tính đến các thị phần ở tỉnh khác.
Ở ngành hàng thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, cho biết trước đây công ty lo xuất khẩu là chính. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới suy thoái, công ty nhận thấy thị trường nội địa gần 90 triệu dân là cơ hội tốt nên đã điều chỉnh mục tiêu, mở rộng kênh phân phối ở thị trường nội địa. Từ đầu năm 2012 đến nay, Saigon Food đã mở được 20 điểm bán mới.
Quạt máy và các sản phẩm chống nóng đang được tiêu thụ mạnh trong mùa này
Thiên thời, địa lợi
Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc tiếp thị của Nguyễn Kim, cho biết đặc thù của ngành kinh doanh bán lẻ là cần mặt bằng thuận lợi. Kinh tế khó khăn khiến giá bất động sản giảm mạnh. Đây lại là thuận lợn lớn cho ngành bán lẻ lựa chọn địa điểm kinh doanh.
Tương tự, bà Quỳnh Ny, đại diện Vinatex Mart, cho biết chi phí mặt bằng chỉ còn 60% so với trước, rất thuận lợi. Đồng thời, những siêu thị mới được mở ở thị trường mới chưa có DN bán lẻ nào đến nên thuận lợi trong việc chiếm thị phần.
Một DN bán lẻ cho biết một cửa hàng đóng cửa không phải vì không có khách hàng mà chủ yếu vì doanh thu từ số khách hàng đó không đủ bù chi phí hoạt động cho cửa hàng. Khi cửa hàng đó đóng cửa, người khác nhảy vào thế chỗ có khi lại thành công, đơn giản vì họ quản trị tốt, chi phí ít, dù ít khách vẫn sống được!
Không đơn giản là chuyện “thiên thời”, “địa lợi”, sở dĩ các DN có thể trụ được trong thời buổi khó khăn là nhờ kinh doanh có hiệu quả. Một số DN cho biết phải kiểm soát và thắt chặt chi phí. Quầy kệ trưng bày được làm đơn giản nhất, nhân sự ít nhất, phát triển công nghệ thông tin... để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.
Ông Phạm Thành Công, chuyên viên cao cấp của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, cho rằng: “Các DN này đã có nền tảng chuẩn bị, có kế hoạch từ lâu. Họ có nguồn nhân lực chất lượng, có đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, có công cụ phân tích kinh doanh hiện đại… Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ khác thiếu chuyên nghiệp trong hoạch định kinh doanh, yếu trong quản lý hàng tồn kho, khó khăn khi tìm đầu ra”.
Ông Công khẳng định đây chính là giai đoạn kiểm tra sức khỏe của DN bán lẻ. Lạm phát và khủng hoảng sẽ phân cấp ra người bắt kịp thị trường và người bị đào thải. Việc chiếm lĩnh thị trường ở giai đoạn này là rất tốt nếu các DN nắm bắt được thời cơ.
Vẫn tiềm năng! Tuy sức mua giảm nhưng Việt Nam vẫn là thị trường cực kỳ tiềm năng với giá trị thị trường lên tới 6 tỉ USD. Quan trọng là ai đủ mạnh để “tóm” lấy thị trường này mà thôi! Về lâu dài, những DN mạnh sẽ vươn lên nắm thị trường. Sẽ chỉ còn 2-3 DN lớn có hệ thống chuỗi siêu thị quy mô nắm 40% -50% thị phần. Ông ĐINH ANH HUÂN, Tổng Giám đốc dienmay.com |