“Ngán” thủ tục hành chính thuế: DN chỉ xin hai chữ… bình yên
Dù 71% doanh nghiệp (DN) hài lòng với các cải cách thủ tục thuế gần đây và hàng trăm cán bộ đã bị ngành này xử lý nhưng tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn chưa được xoá sổ.
Chưa “xóa sổ” được nhũng nhiễu
Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế hôm 11.8 đã công bố Báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014. Báo cáo khảo sát hơn 2.500 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành và lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực thuế. Các doanh nghiệp được hỏi là những đơn vị đăng ký hoạt động chính thức, đóng góp 61% tổng thu nội địa.
Doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không có phí "lót tay"
Kết quả, dù 71% doanh nghiệp hài lòng với các cải cách thủ tục thuế gần đây và hàng trăm cán bộ đã bị ngành này xử lý nhưng tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn chưa được “xoá sổ”.
Khảo sát của VCCI cho thấy, một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết từng gặp phiền hà khi làm thủ tục thuế. Đăng ký thuế (hoặc thay đổi thông tin đăng ký thuế) và kê khai thuế là hai nhóm thủ tục các doanh nghiệp gặp phiền nhiễu nhất. "Những phiền hà lớn khác bao gồm cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài", VCCI cho hay.
Mặc dù hơn một nửa doanh nghiệp cho rằng cán bộ thuế có thái độ đúng mực, chuyên môn nghiệp vụ tốt nhưng những vấn đề về "chi phí không chính thức" với đối tượng công chức này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo kết quả VCCI khảo sát, 32% doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế cũng nêu thực tế rằng, doanh nghiệp giờ vẫn rất “ngại” phải nói về các cải cách thủ tục hành chính thuế. Họ chỉ xin hai chữ “bình yên”. “Rõ ràng vẫn còn đâu đó doanh nghiệp bị cơ quan thuế yêu cầu cung cấp bảng kê không đúng, đưa chi phí ngoài luồng… Chúng ta phải tiếp tục chỉ đạo để không còn tái diễn những cảnh này, để doanh nghiệp không còn e ngại nữa” - bà Cúc nói.
Sẽ mạnh tay hơn nữa
Trước những thống kê trên đây, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp thu và mạnh tay hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu ngành thuế phải làm sao để mẫu tờ khai thuế phải đơn giản nhất: “Chúng ta vẫn khai thủ công, xếp hàng nộp… thì doanh nghiệp còn kêu khó. Cần phải ứng dụng công nghệ, đi thẳng vào kê khai nộp thuế qua mạng.
Ông Tuấn cũng lưu ý: “Dường như doanh nghiệp lớn bị thanh tra kiểm tra nhiều, tại sao và xử lý như thế nào?”. Ông Tuấn cho rằng, “dường như cơ quan thuế đang thanh tra, kiểm tra theo chủ quan. Doanh nghiệp hoạt động nhiều thì khả năng sai nhiều và khả năng tăng thu nhiều. Đây là tư duy “truyền thống”. Nghị quyết 19 yêu cầu chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu 500 doanh nghiệp; qua đó xác định loại nào rủi ro và chỉ được thanh tra 20%”. Ông Tuấn nói: “Năm nay cơ quan thuế phải chuyển sang xây dựng thể chế chính sách quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp, không thể thanh tra kiểm tra theo cảm tính, xin được thanh tra hay xin không thanh tra. Phải căn cứ vào quy định pháp luật giống hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.
Giải pháp chung cho vấn đề này, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, cần nhất là phòng chống tham nhũng, giải quyết vấn đề đạo đức, năng lực phẩm chất cán bộ thuế. Trước hết việc khai, nộp, giải quyết vướng mắc thuế thực hiện qua mạng càng nhiều càng tốt. Hai là cơ quan thuế phải thay đổi phương thức giải quyết vướng mắc khiếu nại của doanh nghiệp, cần khách quan hơn, có trách nhiệm tham vấn hơn cho doanh nghiệp…