Ngăn EVN “đội” giá điện

Sắp tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không được đưa chi phí xây sân tennis, bể bơi… vào giá điện cũng như không được đầu tư những lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến cho dự thảo Quy chế quản lý tài chính của EVN. Theo đó, bên cạnh việc tuân thủ Nghị định 71/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý tài chính đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn, EVN còn phải tuân thủ quy chế tài chính riêng.

Cụ thể hóa chi phí tính giá điện

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết một số nội dung đáng chú ý của dự thảo là quy định chặt chẽ hơn và làm rõ EVN được làm gì bằng việc cụ thể hóa danh mục chi phí được hạch toán vào giá điện.

Theo ông Tiến, trước đây, các nghị định về quản lý đầu tư của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành đều không nêu cụ thể danh mục khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ… mà đặc thù ngành điện phải có ở khu vực các nhà máy điện. Vì vậy, dự thảo lần này nêu rõ chi phí khấu hao của nhà ở công vụ cho các cán bộ, công nhân viên làm việc trực tiếp tại những nhà máy điện, nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành điện được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. Đối với các nhà máy điện xây dựng ở vùng sâu, vùng xa thì được áp dụng cơ chế xây nhà ở cho người lao động như các KCN, KCX và chi phí này được khấu trừ vào thuế.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng các dịch vụ công ích như sân tennis, bể bơi thì không được tính vào chi phí giá điện mà phải hình thành từ nguồn khác. Về khấu hao tài sản, dự thảo cũng quy định rõ EVN được trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và tổng giám đốc EVN được quyết định mức cụ thể trong khung cho phép. Tuy nhiên, một số tài sản khấu hao lớn phải được phân bổ dần, không được rút ngắn thời gian khấu hao, phân bổ “một cục” làm đội giá thành điện.

Ngăn EVN “đội” giá điện - 1

EVN có thể bị cấm đầu tư vào bất động sản, tài chính… Trong ảnh: Dự án tại Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina có vốn góp của EVN- Ảnh: Tấn Thạnh

Buộc phải thoái vốn

Ngoài ra, theo dự thảo, EVN cũng không được đầu tư những lĩnh vực “nóng”, ngoài ngành như tài chính, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nội dung này phù hợp với dự thảo Luật Doanh nghiệp, trong đó có quy định các DN nhà nước sẽ được đầu tư vào những ngành cho phép nhưng không có các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, chứng khoán…

TS Lê Đăng Doanh cho rằng các lĩnh vực nói trên có rủi ro lớn, nếu EVN đầu tư lỗ sẽ rất bất lợi vì có khả năng hạch toán vào giá điện và gây gánh nặng chi phí cho cả kinh tế và xã hội.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17/2, đại diện EVN cho biết tổng số vốn góp của EVN tại 7 công ty cổ phần hoạt động ngoài ngành đến ngày 31/12/2012 là 2.334,2 tỉ đồng, đến ngày 31/12/2013 giảm còn 2.072,2 tỉ đồng. Đại diện EVN cũng khẳng định các khoản đầu tư của tập đoàn vào các công ty cổ phần ngoài ngành về cơ bản đều được bảo toàn và phát triển, mặc dù trước đây nhiều thông tin cho rằng EVN từng thua lỗ nặng khi đầu tư dàn trải ở bất động sản và viễn thông. Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN năm 2012 cũng cho thấy EVN đầu tư vốn ra ngoài gần 122.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỉ đồng. Về vấn đề này, dự thảo quy định EVN được quyền sử dụng vốn để đầu tư vào các ngành nghề được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động nhưng bảo đảm nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con, từ các công ty con của DN cấp 2 và các cấp tiếp theo. Ngoài ra, các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị của EVN. 

Hoàn thành thoái vốn vào năm 2015

Đại diện EVN cho biết hiện đang tích cực triển khai thoái vốn để đến năm 2015, hoàn thành thoái vốn tại 7 công ty cổ phần là: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS), Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC), Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn), Công ty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC) và giảm vốn góp tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) theo quy định Luật Tổ chức tín dụng (các cổ đông là tổ chức không được nắm giữ quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng).

EVN đang chờ Bộ Công Thương có ý kiến về phương án giảm vốn tại EVNFinance với mức giảm 625 tỉ đồng theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà - Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN