Ngậm “trái đắng”, mất hàng chục triệu đồng vì mua combo làm đẹp trọn đời
Làm đẹp là một trong những lĩnh vực hàng đầu mà các chị em quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người do nhẹ dạ đã mất hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu vì mạnh tay chi tiền mua “combo trọn gói”.
Rất nhiều khách hàng dở khóc dở cười, bị mất cả chục triệu đồng khi mua các gói làm đẹp với “ưu đãi khủng” tại các cơ sở spa có tiếng. Điều đáng nói, khi tiếp cận khách hàng, nhân viên tại các cơ sở luôn tỏ ra chuyên nghiệp, chăm sóc chu đáo. Sau một thời gian, khi khách hàng tin tưởng, các cơ sở tìm cách thuyết phục “con mồi” mua các gói làm đẹp “trọn đời” bằng các loại “thẻ lâu năm”, “thẻ VIP” hoặc cùng “mua chung”,... để được hưởng ưu đãi khủng giảm giá từ 30 - 50%. Những chị em nhẹ dạ, dễ dàng bị chăn dắt và sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng... để rồi ngậm “trái đắng”.
Rất nhiều cơ sở spa đăng bán các gói dịch vụ giảm giá tới 50%
Trần B. N. - 32 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, hơn 2 năm qua chị là khách hàng quen thuộc của một spa chăm sóc sắc đẹp khá quy mô tại một cơ sở gần nhà. Cơ sở có nhiều gói dịch vụ làm đẹp như massage, tắm trắng, phun môi, thêu mày,…
B. N. thường mua gói massage body (dịch vụ chăm sóc cơ thể), một gói gồm 20 lần massage với giá 7 triệu đồng sau khi được giảm giá 30%. B. N. cho biết, chị khá hài lòng với chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên nơi đây.
Sau khi dùng hết gói cũ, cuối năm 2023, chị mua gói massage body tiếp theo. Tuy nhiên, khi dùng đến buổi thứ 4 thì nhân viên của quán spa thông báo tạm thời đóng cửa ít ngày để nâng cấp hệ thống máy móc. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 5 tháng, quán spa vẫn chưa hề mở lại, bên ngoài các biển bảng cũng không còn. Nhiều lần B. N. gọi đến điện thoại hotline của spa trên để hỏi thăm tình hình, song đều không liên lạc được.
Tương tự, năm 2023, chị Thu H. (Tây Hồ, Hà Nội), cũng phản ánh việc đến một Thẩm mỹ viện trên địa bàn quận Đống Đa đã bị nhân viên dẫn dụ mua gói dịch vụ làm đẹp tổng hợp giá 20 triệu đồng (được làm “thẻ VIP”), trong đó phun môi được bảo hành trọn đời và được chăm sóc trẻ hóa da mặt 20 buổi. Sau khi mua gói làm đẹp này, khách hàng mang thai nên đăng ký bảo lưu và tạm dừng sử dụng, khi quay lại thì cơ sở đã "lặn mất tăm".
Và cũng rất nhiều khách hàng "đăng đàn" tố bị lừa từ các gói dịch vụ làm đẹp
Một trường hợp khác là chị Trần Thu Hà (quận Nam Từ Liêm) phản ánh: Chị nộp tiền mua gói dịch vụ trị sẹo giá 10 triệu đồng tại cơ sở thẩm mỹ trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Khi mua thẻ, cơ sở này cam kết hoàn tiền gấp đôi nếu khách không trị được sẹo. Tuy nhiên, sau 3 lần trị sẹo không có tiến triển, chị Hà tạm nghỉ một thời gian và đến đầu tháng 8-2023 quay lại thì cơ sở đã đóng cửa. Vào trang Facebook của cơ sở có thông báo đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu được biết, khi mới tiếp cận khách hàng, các cơ sở thường rất nhiệt tình, chu đáo và dùng chiêu trò khuyến mại như tặng buổi trải nghiệm chăm sóc da miễn phí rồi mời khách mua thẻ lâu năm với giá trị cả chục triệu đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cơ sở thẩm mỹ lặng lẽ phá sản hoặc chuyển trụ sở đến nơi khác. Đây là thủ đoạn moi tiền khách hàng mà không ít người mắc bẫy, nhưng phần lớn phải ngậm "trái đắng" vì không đủ bằng chứng tố giác đối tượng vi phạm.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ việc khi đã xảy ra sự cố thì khách hàng mới đưa thông tin ra dư luận, lúc đó các cơ sở làm đẹp đã kịp thời xóa dấu vết. Để liên hệ với các cơ sở hoặc tìm đủ bằng chứng buộc tội những đơn vị này rất khó khăn, vì thế phần lớn khách hàng ôm “cục tức” và chấp nhận chịu thiệt.
Chia sẻ trên các hội nhóm làm đẹp, chăm sóc da được biết, có rất nhiều nạn nhân của chiêu trò bán gói dịch vụ làm đẹp với giá cao, sau đó cơ sở thẩm mỹ "cao chạy xa bay".
Thông tin với báo chí về tình trạng trên, ông T., đại diện phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, rất nhiều khách hàng của một số Spa trên địa bàn tìm đến để tư vấn, bởi lâm vào tình trạng tương tự như trên. Có người mua gói dịch vụ tắm trắng hoặc các gói dịch vụ đắt tiền lên đến 50 triệu đồng, đã thanh toán trước hoặc thanh toán trước 50%.
Đa phần khách hàng không đưa ra được bằng chứng cho thấy các cơ sở có dấu hiệu lừa đảo, vì đây là thỏa thuận giữa người mua và người bán, nên không đủ bằng chứng xác lập vi phạm. "Vì vậy, mỗi khách hàng hãy cẩn trọng khi tiếp cận các dịch vụ, đừng để mất tiền rồi mới tìm hiểu, lúc đó đã quá muộn”, ông T. khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời điểm này, ve sầu non được rao bán rất nhiều trên chợ mạng, mức giá bán dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.