Nga bị loại khỏi SWIFT, xuất khẩu nông sản Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp. Hiện có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền, đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga liên tục tăng những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2015, và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Với tư cách là thành viên chủ chốt, thị trường Nga chứng kiến "cú nhảy" của nhiều nông sản Việt, như cà phê, hạt điều, hạt tiêu và thủy sản.
Năm 2020, xuất khẩu nông lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD. Năm 2021, con số này tăng lên khoảng 550 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Nga). Trong đó, xuất khẩu thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, cao su 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD…
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 17 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản sang Ukraine đạt 3,7 triệu USD (năm 2021 khoảng 29 triệu USD).
Theo ông Hòe, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường này.
"Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT", ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, ngoài ra, việc đồng Rup mất giá sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này. Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga phải tính toán lại.
Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam.
Ông Hòe cho rằng, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao.
Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga chia sẻ, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các hoạt động giao dịch thương mại, chuyển và rút tiền giữa doanh nghiệp và đối tác phía Nga gặp khó khăn. Thay vì các giao dịch tiền thể hiện dưới dạng tin nhắn SWIFT, sử dụng các thẻ thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp phải thanh toán bằng một khối lượng tiền mặt lớn hay phải trả bằng vàng ròng.
Xung đột Nga – Ukraine khiến nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế… đến lương thực, thực phẩm đều tăng cao.
Nguồn: [Link nguồn]