Nếu Uber, Grab không chấp hành nghiêm, mời ra khỏi Việt Nam!
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các phương tiện kinh doanh vận tải của Uber, Grab là taxi công nghệ cao. Do đó, phải coi xe Uber, Grab là taxi và phải quản lý như hình thức taxi.
Sáng 8-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp cùng các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, vấn đề nóng nhất là bàn về quản lý xe Uber, Grab.
Phải có trách nhiệm với khách hàng
Theo ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, xe Uber, Grab chính là taxi, phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ nhằm tối ưu hóa hiệu quả, tạo tiện ích cho người dân. "Thay đổi định nghĩa thì sẽ đơn giản và sau đó điều chỉnh cụ thể. Cái gì chưa phù hợp, chưa đúng thì phải sửa. Không lấy lý do lòng vòng để sửa cho cái sai" - ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc sửa đổi Nghị định 86 có vai trò rất quan trọng, nhạy cảm, nếu không làm tốt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. "Nghị định thay thế phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình xe Uber và Grab" - ông nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, dư luận đưa nhiều thông tin liên quan tới hoạt động của Uber, Grab, đặc biệt là an toàn tính mạng cho hành khách sử dụng dịch vụ này. Theo ông Thể, khi xảy ra sự cố với hành khách, taxi truyền thống ràng buộc trách nhiệm của tài xế và hãng. Trong khi đó, với Uber, Grab thì khi xảy ra sự cố bị cướp giật hay hành hung hành khách trên xe, chưa ai chịu trách nhiệm.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định phải quản lý Uber, Grab như taxi bởi bản chất đây chính là taxi công nghệ. Trong ảnh: Taxi truyền thống hoạt động trên địa bàn Hà Nội
Mô hình hoạt động của Uber, Grab là taxi công nghệ cao, kết nối giữa hành khách, tài xế và hãng. Sửa nghị định phải quản lý dịch vụ Uber, Grab như taxi. "Ban hành làm gì khi họ hoạt động vô tội vạ, không có trách nhiệm với việc đóng thuế, với hành khách vì có trường hợp khách bị trấn lột trên xe Uber, Grab. Phản ánh nhiều vụ như thế mà không truy cứu trách nhiệm của công ty, phải chăng pháp lý chưa rõ ràng? Dự thảo mà việc quản lý không chặt thì không thể ban hành" - ông Thể quả quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu tổ soạn thảo phải xử lý được trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý tài xế, phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra sự cố.
Người đứng đầu ngành giao thông cho biết Uber, Grab hoạt động mới vài năm nhưng số lượng phương tiện đã vượt taxi truyền thống với hàng chục ngàn xe. Do đó, khi có chuyện xảy ra, Uber, Grab không thể nói không biết. Người dân sử dụng dịch vụ này phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Phải ràng buộc giữa tài xế và công ty để truy trách nhiệm các bên, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu nghiêm trọng.
"Không thể có chuyện khi có sự cố thì không tìm được tài xế ở đâu. Nếu đạt được điều kiện trên mới cho Uber, Grab được hoạt động" - ông Thể lưu ý ban soạn thảo.
Cần có cơ chế đặc thù cho taxi công nghệ
Người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh cơ quan quản lý luôn ủng hộ việc sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải nhưng phải tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai, minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết cơ bản đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng GTVT khi nhận diện Uber, Grab chính là taxi. Tuy nhiên, việc quản lý Uber, Grab cần có cơ chế đặc thù so với taxi truyền thống. "Làm sao để một mặt loại hình này phát huy ưu điểm tiện ích, giá rẻ nhưng cũng phải công bằng với taxi truyền thống" - ông Thủy nhìn nhận.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đề nghị cần đặt tên rõ ràng cho các đối tượng vận tải. Cụ thể, đã kinh doanh vận tải bằng xe dưới 9 chỗ thì phải gọi là taxi. Ngoài ra, theo ông Hùng, việc Uber, Grab báo lỗ nhưng vẫn thực hiện các chương trình khuyến mại lớn cho người sử dụng là nhằm mục đích thôn tính thị trường. Còn bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, đề nghị nên đưa Uber, Grab vào nhóm điều kiện của taxi để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, nếu coi dịch vụ Uber, Grab là taxi thì phải quản lý số lượng. Cơ quan quản lý phải nắm rõ, quản lý không được thì sẽ rất nghiêm trọng. Ở góc độ khác, số lượng xe phát triển nhiều mà việc nộp thuế lỏng lẻo; trong khi taxi truyền thống ít, nộp thuế nhiều. "Uber, Grab hay taxi truyền thống, bản chất là như nhau, do đó họ phải chấp nhận sự quản lý như taxi truyền thống. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì mời ra khỏi Việt Nam" - Bộ trưởng Thể thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết cả xã hội đang trông chờ vào Nghị định 86 sửa đổi. Tinh thần sửa đổi là phải tăng cường quản lý loại hình vận tải như Uber, Grab để bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. "Do đó, phải xem lại từng điều khoản, chỗ nào còn chưa chặt chẽ, bảo đảm cho người dân thì điều chỉnh lại cho phù hợp" - ông Thể lưu ý.
Quản hay cấm xe Limousine? Liên quan đến việc bùng nổ xe Limousine chở khách thời gian qua, ông Khuất Việt Hùng cho biết đây là xe hợp đồng nhưng kinh doanh vận tải hành khách trá hình như xe chạy tuyến cố định. "Do đó, lần này sửa đổi Nghị định 86 phải xử lý dứt điểm" - ông Hùng đề nghị. Tuy nhiên, bà Phan Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng xe Limousine hiện được nhiều người dân lựa chọn vì thuận tiện, chất lượng dịch vụ tốt. "Không nên cấm mà đưa vào để quản lý" - bà Hiền nói. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu đề xuất phương thức quản lý, không thể để loại hình xe Limousine hoạt động tự phát. |