“Nên hỗ trợ trực tiếp giá nông sản”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan- nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - đã nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo NTNN.
Đừng tạo ra tiền lệ xấu
Các cơ quan nhà nước gần đây thông tin nhiều về việc sẽ điều chỉnh giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tiệm cận với giá thị trường. Liệu đây có phải là hướng đi phù hợp trong bối cảnh lạm phát thấp hiện nay?
Trong lúc nền kinh tế khủng hoảng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp tốt cho nền kinh tế.
- Mọi người vẫn nghĩ rằng, lạm phát thấp thì việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu không ảnh hưởng bao nhiêu. Tác động giá trực tiếp (vòng 1) thường được các cơ quan nhà nước tính toán và chỉ ra rằng không đáng kể.
Nhưng thực tế, giá các mặt hàng này tăng sẽ khiến việc tăng giá gián tiếp (vòng 2) tác động tới các mặt hàng khác và toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội vô cùng lớn và khó lường. Hệ quả là đời sống người dân thì ngày càng khốn đốn, DN thì kiệt quệ, không thể phục hồi. Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng thế giới vừa cảnh báo, tác động của việc có thể điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, cộng với biến động tỷ giá sẽ làm lạm phát của VN trong năm nay lên tới 8,2%.
Trong lúc nền kinh tế khủng hoảng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp tốt cho nền kinh tế.
Hiện nay, nhiều thông tin dự đoán, Chính phủ có thể sắp đưa ra gói kích cầu tiêu dùng để kích thích nền kinh tế. Chính sách này, nếu được áp dụng, sẽ có tác dụng như thế nào, thưa bà?
- Tôi biết, hiện đã có nhiều đề xuất với Chính phủ cần đưa ra gói kích cầu, tăng đầu tư công để kinh tế khởi sắc, bởi họ cho rằng, lạm phát đã được kiểm soát. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng, không nên áp dụng chính sách này vì việc này đã để xảy ra hậu quả như hồi năm 2008-2009.
Nó đã và vẫn còn gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế những năm vừa qua. Hơn nữa, chúng ta không thể đưa ra gói kích cầu nào nữa trong bối cảnh đầu tư công vẫn còn chưa tái cơ cấu. Nếu chúng ta tiếp tục chính sách này, rất có thể nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu là cứ khó khăn thì Chính phủ sẽ bỏ tiền ra cứu. Như vậy rồi sẽ cũng đến lúc, Chính phủ chẳng còn tiền để cứu.
Vậy theo bà chúng ta cần làm gì để có thể vừa vực dậy nền kinh tế vừa kiểm soát được lạm phát?
WTO cho phép hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tới 10%, nhưng nhiều năm qua, VN đã bỏ qua các chính sách này. Ở Hàn Quốc, củ khoai cũng bán được giá cao nhất. Họ coi nông sản là bệ đỡ đưa đất nước đi lên. Nhưng ở VN, nông dân cho nhiều nhất, lại mất nhiều nhất". Chuyên gia Phạm Chi Lan |
- Trong lúc nền kinh tế khủng hoảng như thế này, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp tốt cho nền kinh tế. Chính phủ đã nhận ra điều này và đưa vào nghị quyết nhưng đáng tiếc là cho đến nay, nhiều chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân lại chưa đi được vào cuộc sống, do đó chưa phát huy được hiệu quả.
Giá cả đầu vào của nông nghiệp thì liên tục tăng cao còn đầu ra thì lại xuống thấp, khiến cho đời sống nông dân đang rất khó khăn.
Không ngoa khi nói rằng, nông dân, nông nghiệp, nông thôn là yếu tố chính giúp kiềm chế lạm phát thành công từ đầu năm đến nay. Bởi giá cả nông sản, thực phẩm, lúa gạo liên tục giảm góp phần lớn vào việc giảm áp lực lạm phát.Vậy tại sao người nông dân chưa nhận được những hỗ trợ chính đáng mà vẫn phải chịu hy sinh, thiệt thòi?
Nông nghiệp phải cải thiện chất lượng
Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng phải giúp nông dân thoát khỏi vòng xoáy giảm giá, theo bà nên làm như thế nào?
- Hỗ trợ giá nông sản cho nông dân, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trong sản xuất là điều nên làm lúc này. Tuy nhiên, đẩy giá nông sản lên cũng không phải dễ nếu chúng ta không cải thiện cách làm nông sản, để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Muốn hỗ trợ giá thì trước hết nông nghiệp phải cải thiện được chất lượng.
Đã quá lạc hậu và thất bại trên cả thương trường quốc tế và trong nước, nếu chúng ta cứ hạ giá và bán sản phẩm không an toàn. Nông dân phải làm ra sản phẩm chất lượng với quy mô lớn mới đem lại hiệu quả.
Nhưng nếu giá đầu vào cứ tăng thì việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp sẽ càng khó khăn, nông dân khó mà thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn được, thưa bà?
- Chúng ta đã nói nhiều tới việc hỗ trợ đầu vào cho nông dân, kiểm soát tốt từ sản xuất đến kinh doanh để giảm các chi phí trung gian nhưng thực tế nông dân đang bị "bỏ rơi". Cứ nhìn vào lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi hay lúa gạo, cà phê... đều có thể thấy rõ. Tôi cho đã đến lúc Nhà nước phải kiểm soát nghiêm ngặt các lĩnh vực kinh doanh nông sản.
Chúng ta đã có Luật Cạnh tranh, việc sáp nhập, mua lại có luật cả, tại sao lại không áp dụng cho nông nghiệp? Đang có xu hướng thôn tính, độc quyền, chiếm lĩnh nổi lên trong sản xuất, kinh doanh nông sản hiện nay. Khâu tiêu thụ của nông dân thì phải qua quá nhiều khâu trung gian ăn lãi khiến nông dân hưởng lãi rất ít.
Hiện hầu hết đầu ra cho sản phẩm của nông dân đều không có liên kết, hợp tác nên dễ bị ép giá. Nếu không kiểm soát được giá cả nông sản thì chí ít, các nông sản chính như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản... cũng phải có kiểm soát của Nhà nước, giúp nông dân từ đầu vào tới đầu ra mới được. Lỗi này không thể đổ hết cho nông dân, cho thương lái bởi Nhà nước đã không thể hiện được vai trò điều tiết của mình.
Xin cảm ơn bà!