Nên giao Bộ nào điều hành giá xăng dầu?
Theo giới chuyên môn, đã bộc lộ sự loay hoay, lúng túng ở mối quan hệ giữa các bộ trong điều hành xăng dầu, vì thế nên quy về một bộ quản lý.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu (dự thảo) đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất 3 phương án.
Đó là, có thể giữ nguyên quy định hiện hành, tức là nhiều bộ, ngành cùng điều hành, quản lý xăng dầu; hoặc giao hoàn toàn việc điều hành giá và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu về một trong hai bộ Tài chính, Công thương để thống nhất quản lý. Vậy, nên giao bộ nào quản lý cho phù hợp?
Bộc lộ sự loay hoay, lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ
Trước những năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu. Chỉ sau khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công thương chủ trì, và Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở...
Ngoài ra, còn có sự quản lý của nhiều bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công thương và Tài chính đảm trách...
Tình trạng xếp hàng mua xăng và nhiều cửa hàng đóng cửa vì thua lỗ là tâm điểm thị trường xăng dầu năm 2022
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đánh giá, gần một năm qua, thị trường xăng dầu luôn có những biến động bất thường, từ đó bộc lộ rõ sự loay hoay, lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ ngành để xử lý sự việc.
Theo ông Thỏa, những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua như: “Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, một số nơi đứt đoạn nguồn cung, người tiêu dùng bất bình về những bất lợi khi đi mua xăng dầu”.
Nguyên nhân dẫn đến bất ổn trên xuất phát từ việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu ở thị trường có thuế suất ưu đãi thì không có nhiều; còn nhập khẩu ở thị trường có thuế suất cao hơn mức thuế suất ưu đãi thì không được phép (lỗ).
Bên cạnh đó, còn do chi phí đưa xăng dầu về nước (Premium, chi phí vận chuyển...) tăng cao hơn quy định không được điều chỉnh phù hợp.
Chưa kể, giá thị trường biến động liên tục, nhưng chu kỳ tính giá trong nước dài, dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước. Dẫn đến, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập…
Trong bối cảnh đó, ông Thỏa đánh giá: “Các Bộ chưa làm tròn trách nhiệm điều hành của mình, vẫn đang nặng “thanh minh”, Bộ nọ đùn đẩy, kiến nghị Bộ kia giải quyết,… mãi chẳng đến đâu. Tệ hại hơn, dư luận còn cho rằng Bộ Công thương và Bộ liên quan còn đổ lỗi cho nhau về những bất cập trong điều hành”.
“Cần có một tổng chỉ huy thì mới mong bình ổn thị trường”, ông Thỏa nói và nhấn mạnh, việc cắt khúc trong điều hành khiến các bộ chờ đợi nhau, không theo kịp diễn biến thị trường, đã thấy rất rõ trong năm 2022.
Do đó, góp ý vào các việc sửa đổi nghị định về xăng dầu, ông Thỏa đồng ý phương án chọn quy về một bộ quản lý.
Giao Bộ Công thương là hợp lý nhất?
Đưa ra lập luận của mình, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa phân tích, Bộ Công thương đang quản lý về xăng dầu, từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, hệ thống cảng; quản lý về hạn ngạch, cấp hạn ngạch, cấp phép trở thành đầu mối;…Vì thế, Bộ này hiểu rõ nhất sự vận hành hệ thống đó, gắn với các chi phí điều hành giá, nên giao điều hành giá về Bộ Công thương là hợp lý nhất.
Đó cũng là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ông Lâm thẳng thắn, giao cho Bộ Tài chính là đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá đã báo cáo Quốc hội lần 1 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.
Theo ông Lâm, trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Tức là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá.
"Sắp tới, khi sửa đổi Luật Giá, lĩnh vực nào do bộ ngành nào phụ trách thì sẽ giao trực tiếp về cho bộ đó. Như xăng dầu của Công thương, giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuốc men thuộc Bộ Y tế... Bộ Tài chính sẽ chỉ mang tính chất hướng dẫn về nghiệp vụ cho bộ ngành.
Do đó, đề xuất trao quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính là không phù hợp và chắc chắn sẽ không được thông qua”, ông Lâm nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công thương, nhưng nhấn mạnh, quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ.