Né thịt bẩn, thịt bơm nước: Cách nào?

Thịt tươi đang là loại thực phẩm có nhiều nguy cơ mất an toàn do những chiêu trò của một số người kinh doanh, cơ sở giết mổ làm ăn gian dối hòng kiếm lời

Trong lúc công tác xử lý tình trạng heo, bò… bơm nước còn chưa triệt để vì nhiều lý do thì người tiêu dùng nếu không tinh ý có thể mua phải thịt bẩn chưa qua kiểm soát.

Không khó để phân biệt

Với kinh nghiệm đi chợ mấy mươi năm của mình, chị Mai Ngọc (ngụ quận 7, TP HCM) cho rằng để nhận biết thịt heo bị bơm nước không khó. “Thịt bơm nước không còn hồng, khi ấn tay vào thì nước rỉ ra và lạnh trong khi thịt heo thường ấn vào sẽ thấy ấm, không rỉ nước. Heo bơm nước thớ thịt giãn ra nên to hơn so với bình thường. Nếu lỡ mua phải miếng thịt bị bơm nước về tẩm ướp gia vị, thịt không khô ráo mà đổ nước. Đến khi kho thì “nước đầy nồi”, phải đun rất lâu thịt mới keo và miếng thịt thì “quắt” lại, ăn không còn ngon và rất mau bị ôi thiu” - chị Ngọc chia sẻ kinh nghiệm.

Né thịt bẩn, thịt bơm nước: Cách nào? - 1

Những con heo bị bơm căng mọng nước vừa bị cơ quan chức năng phát hiện tại một cơ sở giết mổ ở tỉnh Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG

Né thịt bẩn, thịt bơm nước: Cách nào? - 2

Để né gà, vịt bị bơm nước, chị Ngọc cho biết nên chọn con bên ngoài da còn gân, xương nổi lên và không chọn những con da căng bóng.

Thực tế, tham gia các đoàn liên ngành xử lý giết mổ gia súc, gia cầm lậu tại TP HCM, phóng viên ghi nhận có tình trạng các cơ sở giết mổ bơm nước bằng dụng cụ tự chế (bình bơm nước, đầu vòi thay bằng kim tiêm) để tăng trọng cho gà, vịt trước khi bán. Đây là nguồn gà, vịt bất hợp pháp vì TP HCM từ lâu đã có quy định sản phẩm gia cầm phải được giết mổ sẵn và đóng bao bì, có tên thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Một cách đơn giản khác là nên quan sát người bán, những người bán thịt bị bơm nước sẽ phải liên tục dùng khăn để lau miếng thịt, lau nước máu trong khi những người khác thì không.

Về chuyên môn, ông Tăng Trí Hưng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), truyền đạt: Về màu sắc, thịt bơm nước có màu tái nhạt, thịt thường thì màu đỏ hồng. Về kết cấu, người mua có thể thử bằng cách ấn tay vào miếng thịt, thịt thường có độ đàn hồi tốt nên vết lõm sẽ trở lại bình thường nhanh chóng trong khi miếng thịt bị bơm nước rất lâu mới hết lõm. Quan trọng nhất là bề mặt miếng thịt, thịt bơm nước sẽ rỉ dịch trong khi thịt thường thì khô ráo.

Theo ông Hưng, nguồn thịt bị bơm nước chủ yếu được bán lẻ cho người tiêu dùng ở kênh chợ truyền thống, chợ cóc vì những kênh hiện đại như siêu thị, trong hợp đồng cung cấp hàng đã có các điều khoản ràng buộc về chất lượng.

Chọn theo nguồn gốc

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng ngoài nguy cơ mất an toàn thực phẩm thì nên nhìn nhận vấn đề heo, bò bị bơm nước dưới góc độ kinh tế là một hình thức gian lận thương mại.

“Một con heo mua tại trại là 4,5 triệu đồng (100 kg/con), về lý thuyết khi chở lên lò của TP HCM phải bán giá 4,7 triệu đồng mới bảo đảm lãi và chi phí, hao hụt nhưng nếu bơm thêm 5 lít nước thì giá con heo này họ bán 4,6 triệu đồng vẫn có lời khiến lái heo không bơm nước không thể cạnh tranh được. Tình trạng này sẽ tạo ra “giá ảo” gây bức xúc cho người chăn nuôi, còn người tiêu dùng bị móc túi 2 lần (không đủ về số lượng còn chất lượng thì bị giảm sút) trong khi trung gian thì hưởng lợi. Vì thế, mỗi khi cơ quan chức năng “siết” tình trạng bơm nước thì giá thịt tăng lên” - ông Công phân tích.

Ông Công cho rằng người tiêu dùng nên chọn thịt ở những nơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, không nên tiện đâu mua đấy. Về lâu dài, để kiểm soát được chất lượng thịt, phải hình thành chuỗi liên kết khép kín (từ thức ăn, con giống đến chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh), sản phẩm đầu ra có thương hiệu, có dấu hiệu nhận biết thì mới bảo đảm được lợi ích cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI, trước tình trạng heo, bò bị bơm nước trước khi bán cho người tiêu dùng, đơn vị đã phối hợp với các địa phương - đặc biệt là Đồng Nai, Long An (nguồn cung lớn thịt heo vào TP HCM) - tăng cường kiểm tra, giám sát. “Nhờ kiểm tra liên tục nên tình trạng trên đã giảm bớt, giúp bảo đảm an toàn thực phẩm cho thịt heo xuất ra thị trường. Công tác này sẽ được tiếp tục từ nay cho tới Tết” - ông Bình khẳng định.

Nhận biết thịt bò dỏm

Theo Chi cục Thú y TP HCM, ngoài tình trạng thịt bị bơm nước, thị trường còn có loại thịt bò kém chất lượng, bị ôi và có tẩm ướp hóa chất. Loại thịt này có màu sậm hoặc màu khác thường của hóa chất, có thể dính tay hoặc dính các vật liệu bao gói, chứa đựng, lem màu qua môi trường tiếp xúc; mỡ vàng đậm, xương cũng có màu vàng; độ đàn hồi kém, thịt nhão; bề mặt nhớt và có mùi hôi hoặc mùi khác thường.

Trong khi đó, thịt bò tươi có màu đỏ đặc trưng, mỡ màu vàng nhạt, độ đàn hồi tốt, bề mặt khô, mịn và mùi bình thường đặc trưng.

Phát hiện nhiều lô thịt bơm nước

Mới đây, Chi cục Thú y TP HCM đã tạm giữ 2 lô thịt bò có dấu hiệu bơm nước (rỉ dịch, trọng lượng hao hụt nhanh sau một thời gian) từ tỉnh đưa về chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) tiêu thụ. Kết quả xét nghiệm cho thấy lô thịt bò đã nhiễm khuẩn (E.coli và Salmonella) nên bị tiêu hủy theo quy định, số lượng lô hàng này lên đến trên 2 tấn.

Cuối tháng 1-2015, Công an huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai phối hợp với các cơ quan liên quan bắt quả tang tại trang trại của ông Nguyễn Thế Dũng (thị trấn Vĩnh An) đang bơm nước vào heo. Lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở đã bơm nước vào 43/55 con heo chở trên ô tô tải.

Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng vừa phát hiện 2 xe tải chở gần 20 con bò từ Đồng Tháp lên Tiền Giang, Long An và TP HCM để tiêu thụ. Toàn bộ số bò bị tạm giữ đã được bơm nước để tăng thêm trọng lượng từ 10-20 kg/con...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN