Nắng nóng kéo dài, hóa đơn tiền điện có thể gây sốc
TP HCM xuất hiện nắng nóng liên tiếp nhiều ngày nay. Tình hình thời tiết cực đoan nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài, nhu cầu sử dụng điện làm mát của người dân chắc chắn sẽ tăng cao dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 3 sẽ tăng đột biến
Theo số liệu ghi nhận từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP HCM, trong những ngày qua, do thời tiết nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ của TP đã tăng lên rất cao. Cao điểm nhất là ngày 4-3 - với nhiệt độ lúc cao điểm là 36 độ C, toàn TP đã tiêu thụ đến 78,38 triệu KWh điện - tăng 8,28 triệu KWh so với sản lượng tiêu thụ ngày 4-2, lúc nhiệt độ cao điểm là 34 độ C.
6 ngày tiêu thụ 458,98 triệu KWh điện
Tính riêng 6 ngày đầu tháng 3-2021, với nhiệt độ trung bình lúc cao điểm là 36 độ C, sản lượng điện tiêu thụ toàn TP HCM đã đạt 458,98 triệu KWh. Trung bình, sản lượng điện các hộ gia đình đã sử dụng trong 6 ngày qua đã tăng 10%-20% so với các ngày bình thường của tháng 2.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, nhiệt độ nền tháng 3 tại TP HCM bình quân sẽ đến 35-37 độ C. "Từ nay đến cuối tháng, nếu duy trì mức độ sử dụng điện tăng như hiện nay trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài thì hóa đơn tiền điện tháng 3 (phát hành vào đầu tháng 4) sẽ tăng cao, có thể gây sốc cho khách hàng" - ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), nhận định.
Theo ông Bùi Trung Kiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều thiết bị để làm mát. Trong đó, máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhiều nhất.
"Các chuyên gia đã thống kê tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm 28%-64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Thời tiết nắng nóng nên người dân sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng thêm 2%-3%; nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi, khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh sẽ tăng lên rất nhiều, kết hợp với giá điện tính theo bậc thang nên tiền điện càng tăng cao" - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC giải thích.
Để nhiệt độ máy lạnh trong khoảng 26-28 độ C nhằm tiết kiệm điện mùa nắng nóng. Ảnh: PHƯƠNG AN
Chủ động theo dõi lượng điện dùng hằng ngày
Theo EVNHCMC, khách hàng có thể tải ứng dụng "EVNHCMC CSKH" trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) hay CH Play (đối với hệ điều hành Android) về thiết bị di động để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng hoặc lượng điện tiêu thụ hằng ngày. Từ đó, khách hàng có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện hằng ngày. Nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo.
EVNHCMC cũng khuyến nghị khách hàng, người dân quan tâm thực hành tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao, nhất là trong những tháng mùa khô. Cụ thể, khách hàng cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu. Ngành điện đã liệt kê, nhắc nhở khách hàng những việc cần lưu ý, bao gồm tắt thiết bị điện khi không sử dụng, cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng và ngoài trời chênh lệch không quá nhiều (khoảng 5 độ C), hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà; có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng; vệ sinh máy lạnh theo định kỳ…
Ngoài ra, nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng, tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên, tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù giá cao hơn hàng chục lần so với sản phẩm cùng loại nhưng nhiều đồ điện gia dụng vẫn đắt khách bởi được trang...