Nạn cân điêu, cân thiếu hoành hành
Giá cả một số mặt hàng đang hạ nhiệt song nạn cân điêu, cân thiếu cũng hoành hành rõ hơn. Tiểu thương chợ truyền thống hay cả những doanh nghiệp có tiếng cũng áp dụng thủ thuật "ăn bớt" nhằm thu lãi.
Mua cân được lạng
Chị Nguyễn Phương Lan kể lại câu chuyện ngày 11.7, chị ghé qua chợ Nhà Xanh (Xuân Thủy, Hà Nội) để mua đào mỏ quạ về ăn, giá chỉ 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vừa mới nhặt được 6 quả cho vào túi, bà bán hàng đã giật ngay và đặt lên chiếc cân đĩa nói: Thừa cân rồi. Quá ngạc nhiên và thừa biết bị cân điêu, chị đáp trả: “Vô lý, đào này phải 10 quả mới được 1kg. 6 quả này giỏi lắm được 7 lạng”. Chị quyết định dừng mua.
Tuy nhiên, chuyện không dừng ở đây. Vừa dắt xe chị đã nghe lời nói nặng nhẹ sau lưng: “Có 30.000 đồng/kg mà đòi chọn cân đúng? Đi chợ khác mà mua”. Kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ là khi đi chợ nên mang theo cân riêng của mình. Như thế mới đảm bảo không bị thua thiệt.
Chuyện của chị Nga (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cũng xảy ra tương tự. Ra chợ Nghĩa Tân mua mực ống, vừa chọn được 5 con (chiều dài nhỉnh hơn 10cm) đặt lên cân, thì chủ hàng “phán” thêm con nữa là được 9 lạng. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm lâu năm, chị thấy nghi ngờ nên yêu cầu người bán đặt cân lại lần nữa, kết quả vẫn đủ. Không thỏa mãn, chị Nga đặt ngay túi thạch 500g đóng gói vừa mua tại cửa hàng tạp hóa lên cân, chiếc cân chỉ: 750g. Thấy vậy, bà chủ hàng vội vàng đon đả: “Đặt nhầm cân, cân này chưa chỉnh nên sai. Cân lại nhé”. Lập tức, chiếc cân khác được rút nhanh từ phía dưới thùng hàng đưa ra.
Chị Nga kể kinh nghiệm đi chợ, nếu không tỏ ra ghê gớm là bị cân điêu ngay. Chủ hàng hét giá nào mua giá đấy thì còn hy vọng được cân đúng. Còn nếu mặc cả, hàng vẫn được bán nhưng thiếu cân là điều chắc chắn. Do vậy, chị Nga cũng như chị Lan đều khuyên rằng: Cứ đến cửa hàng quen mà mua. Lỡ quá mới phải vào cửa hàng lạ.
Các xe bán hàng lưu động luôn áp dụng chiêu "cân điêu bù giảm giá"
Hàng siêu thị cũng bị rút chất
Thiếu kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đang là "đất sống" cho nạn cân thiếu, rút ruột khối lượng, trọng lượng của sản phẩm, dù rằng đây được xếp vào quy định là hành vi gian lận, vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh của người sản xuất, bán hàng cần phải được xử phạt theo pháp luật. |
Cẩn thận hơn khi mua hàng, nhiều bà nội trợ tìm đến các siêu thị, trung tâm thương mại với hy vọng nhận được sự tin tưởng. Tuy nhiên, không bị chiếm đoạt kiểu này thì lại đứng trước nguy cơ bị móc túi kiểu khác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Vũ Vinh Phú, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh trì trệ như hiện nay, khả năng chịu thiệt đơn, thiệt kép của người tiêu dùng tăng cao. “Một chục dừa mua của nông dân miền Nam chỉ 10.000 đồng, thế mà ra Hà Nội, người ta vẫn phải mua với giá 17.000 - 20.000 đồng/quả. Hay như 1kg cá ngừ, ngư dân đánh lên là 300.000 đồng, nhưng tư thương ép xuống loại 3 thì giá không quá 120.000 đồng mỗi ký”. Người tiêu dùng không mua hàng thì chẳng biết ăn gì, uống gì.
“Một gói bim bim trước đây 380g, nhưng giờ họ chỉ đóng 370g. Hay một chai nước ngọt 25% đường, nay chỉ còn 22%. Như vậy giá cả có thể không tăng nhưng chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ thì đi xuống. Đó rõ ràng là nghịch lý” - ông Vũ Vinh Phú nói.