Nấm rơm được mùa, thương lái vô tận ruộng mua giá cao

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày này, nông dân phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) đang tất bật ủ rơm, xuống meo cho vụ nấm rơm mới. Vụ nấm rơm này nhiều hộ có điều kiện đầu tư bởi trước đó được sự “tiếp sức” của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Được mùa, được giá

Vụ mùa này, trên địa bàn phường Thới An Đông có khoảng 100 hộ sản xuất nấm rơm với khoảng 900.000 chai meo giống.

Vụ nấm năm nay, anh Ngô Văn Út, ở khu vực Thới Long, phường Thới An Đông, thuê khoảng 1.300m2 đất để chất khoảng 800 chai meo giống. Bình quân mỗi chai meo cho năng suất từ 2- 3kg nấm rơm. Hiện tại, nấm rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 47.000 đồng/kg.

Với mức giá và diện tích này, ước tính gia đình anh Út sẽ đạt lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng. Cũng theo anh Út, sau vụ nấm này, anh sẽ tiếp tục tìm đất để thuê làm vụ nấm rơm mới, vì lợi nhuận từ trồng nấm rơm khá ổn định.

Nấm rơm được mùa, thương lái vô tận ruộng mua giá cao - 1

Với giá 47.000 đồng/kg nấm rơm, sau đợt thu hoạch, mỗi hộ trồng nấm lợi nhuận từ 20 triệu đồng trở lên trong thời gian 45 ngày. Ảnh: Nguyễn Tín

Ở miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng, nhiều hộ làm nghề cho rằng, nấm rơm là loại nông sản có thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc chất đến thu hoạch dứt điểm kéo dài khoảng 45 ngày.

Trồng nấm rơm không cần phải tốn nhiều chi phí đầu tư, chỉ nặng công ủ rơm, chất, tưới nước và hái nấm hằng ngày. Nguồn lợi nhuận từ nghề trồng nấm rơm mang lại rất hấp dẫn nên thu hút nhiều người tham gia. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì trồng nấm rơm thu nhập gấp 3 - 4  lần trồng lúa, trong khi chi phí về vật tư lại giảm hơn so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An Đông, quận Bình Thủy cho biết, những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu của bà con và tín hiệu của thị trường, Hội Nông dân trên địa bàn đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cho các hộ làm nghề.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng đã tổ chức thực hiện dự án sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân trong phát triển nghề trồng nấm rơm trên địa bàn phường An Thới Đông. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp các hộ có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Tạo thêm việc làm

Theo những nông dân có kinh nghiệm, trồng nấm rất hiếm gặp rủi ro. Hơn nữa, những mô rơm sau khi trồng nấm có thể tận dụng để làm phân bón trồng rau, trồng hoa... rất tốt. Anh Ngô Văn Hòa, ngụ phường Thới An Đông, một trong những hộ gắn bó với nghề trồng nấm rơm từ nhiều năm nay cho biết, hiện tại bà con đang tất bật chuẩn bị cho vụ nấm rơm mới, không khí chất nấm rơm rất sôi nổi.

Nguồn rơm ở địa phương không đáp ứng đủ cho nghề trồng nấm rơm nên nhiều hộ phải đến tận các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang… để mua rơm nguyên liệu. Giá rơm nguyên liệu ở vào khoảng 18.000 đồng/cuộn. “Chất nấm rơm khá cực nhưng nếu chịu khó thì thu nhập khá cao, đạt từ 20-30 triệu đồng/vụ nấm chỉ trong 1 tháng rưỡi”- anh Hòa phấn khởi nói.

Nấm rơm đang đem lại no ấm cho nhiều gia đình, nên số hộ trồng nấm ở Thới An Đông cũng tăng lên. Vì vậy, việc củng cố, phát huy hiệu quả của tổ hợp tác trồng nấm rơm được phường xem là một trong những công tác trọng tâm. Phường Thới An Đông hiện có 4 tổ hợp tác trồng nấm rơm ở khu vực Thới Long, Thới Thạnh, Thới An và Thới Hưng với gần 50 thành viên.

Hiện tại, mô hình trồng nấm rơm đang phát triển mạnh tại các tổ hợp tác. Ngoài tận dụng diện tích đất trống sẵn có, các hộ dân làm nghề còn thuê đất ở những địa phương lân cận và thu mua rơm nguyên liệu ở các tỉnh thành về để chất nấm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Hiện nay, địa phương đang hướng dẫn và giúp bà con phát triển nghề trồng nấm theo hướng nông nghiệp đô thị. Hội chủ động vận động các hội viên tham gia vào tổ hợp tác trồng nấm rơm để có hướng hỗ trợ giúp bà con phát triển nghề trồng nấm rơm…”.

Để hỗ trợ nông dân làm nghề trồng nấm rơm, Hội Nông dân phường đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Bình Thủy cùng các ngành hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con có nhu cầu.

Đặc biệt, trong năm 2018, các thành viên của Tổ hợp tác trồng nấm rơm đã được hỗ trợ cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác. Một mùa vụ nấm rộn ràng hứa hẹn nhiều niềm vui đang về trên khắp cánh đồng Bình Thủy.

Cả làng trồng quả “mở mắt” thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm

Chi Lăng là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Riêng đối với cây na - loại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tín ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN