Năm 2019: Xăng dầu trong nước sẽ đội giá vì căng thẳng chính trị?

Sự kiện: Giá xăng

Những căng thẳng về chính trị giữa các nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy giá dầu thế giới năm 2019 tăng so với năm 2018.

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Minh Châu và ThS. Lê Thanh Nga, Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kịch bản giá cả năm 2019. Ý kiến này được nêu tại hội thảo: "Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2018 và dự báo 2019" ngày 3/1.

Theo hai vị chuyên gia, CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, sang năm 2019, nhiều yếu tố có thể gây áp lực làm tăng lạm phát.

Riêng về giá xăng dầu, theo dự đoán, những căng thẳng về chính trị giữa các nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy giá dầu thế giới tăng. Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Do đó, giá dầu thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước.

Chưa kể, giá xăng dầu có thể bị cộng hưởng bởi tỷ giá VND/USD dự báo tăng khoảng 3% và việc điều chỉnh thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu áp dụng từ ngày 01/01/2019.

Không chỉ vậy, do xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của mặt hàng này sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.

Năm 2019: Xăng dầu trong nước sẽ đội giá vì căng thẳng chính trị? - 1

Giá dầu thế giới dự báo tăng sẽ khiến giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng.

Ngoài ra, theo dự báo, giá điện có khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2019 cùng với giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Đáng chú ý là mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2019, mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 sẽ làm tăng giá một số dịch vụ liên quan đến thuê nhân công, góp phần tăng CPI.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cũng bày tỏ lo lắng việc nhiều yếu tố sẽ tác động mạnh tới diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam như giá dầu thô tăng từ 3 – 5%, giá kim loại có thể tiếp tục tăng từ 4-8% (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới).

"Nếu Chính phủ thực hiện những quyết sách mạnh về điều chỉnh giá một số hàng hóa quan trọng và nhạy cảm hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo động lực cho tăng trưởng cao hơn... thì CPI của Việt Nam bình quân năm 2019 so với năm 2018 sẽ còn tăng cao hơn nữa" vị này đánh giá.

Cũng nói về năm 2019, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến Học viện Tài chính cho rằng, hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ khó khăn hơn 2018, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại.

Theo ông, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc khó có thể lắng dịu và nhiều khả năng sẽ càng căng thẳng hơn. Giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thế giới bởi vậy có thể sẽ tăng cao.

Kinh tế Việt Nam qua đó sẽ đứng trước các thử thách mới. Có thể Việt nam sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ do hàng Trung quốc bị tăng thuế. Song khó khăn là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt nam nhập từ Trung quốc sẽ tăng cao, chi phí lớn sẽ làm cho khả năng cạnh tranh bị giảm sút và lợi nhuận sẽ thấp.

Giá xăng giảm hơn 500 đồng/lít từ 0h ngày 1.1.2019

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông tin về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong ngày đầu tiên của năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN