Năm 2014: Giá xăng dầu điều chỉnh kỷ lục 24 lần
Ngày 22.12 có lẽ là ngày cuối cùng của năm 2014, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh. Ngày này đánh dấu mốc kỷ lục điều chỉnh của giá xăng dầu với 24 lần trong suốt cả năm.
Thay đổi giá xoành xoạch…
Ngày 22.12, giá xăng trong nước đã được các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giảm 2.050 đồng/lít, đưa giá xuống 17.880 đồng/lít xăng Ron92. Đây là lần giảm thứ 12 liên tiếp của giá xăng dầu.
Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 1.420 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 1.570 đồng/lít và dầu mazut giảm 1.690 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã có tới 24 lần điều chỉnh, trong đó 5 lần điều chỉnh tăng và 19 lần điều chỉnh giảm. Đây cũng là năm có sự thay đổi về giá xăng dầu nhiều nhất từ trước tới nay.
So với cuối năm 2013, giá xăng hiện rẻ hơn 6.330 đồng/lít, tương đương mức giảm 26%; giá dầu diesel cũng giảm 26% trong khi giá dầu hỏa giảm 22% và dầu mazut giảm 28,2%.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho biết, giá xăng dầu giảm đã đem lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, từ giá giảm, chi phí vận tải giảm, chi phí sản xuất cũng giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa...
Thực tế, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế bởi nó chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Do vậy, xét về mặt lý thuyết có thể ngân sách bị hụt thu từ khoản xăng dầu nhưng đổi lại toàn nền kinh tế lại được kích cầu, sản xuất tốt hơn, tạo gia nhiều giá trị gia tăng hơn. Như vậy, cái lợi cho nền kinh tế là lớn hơn, tốt hơn rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nếu các cơ quan quản lý giá điều hành thị trường tốt hơn thì những tích cực của việc giảm giá xăng dầu sẽ còn lớn hơn, ví dụ giá vận tải giảm nhanh hơn, phù hợp với giảm giá xăng dầu sẽ kích thích cho các hàng hóa khác giảm xuống nhanh hơn, lạm phát đã có thể thấp hơn nữa chứ không chỉ dừng ở mức 1,84%, hay hơn 4% nếu tính lạm phát theo bình quân của cả năm 2014.
Người dân vẫn không ít phàn nàn…
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: Giá xăng dầu giảm mạnh năm qua song người dân vẫn có không ít phàn nàn. Tất cả là do giá xăng giảm mà giá vận tải, hàng hóa thiết yếu khác vẫn cứ “trơ trơ” không chịu giảm hoặc chỉ giảm lấy lệ.
Giá cước vận tải không giảm rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, các nhà sản xuất, nhà phân phối đều phải hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng. Người tiêu dùng vẫn phải gánh chi phí vận tải trong tiêu dùng hàng hóa. Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi thực sự từ việc giảm giá xăng dầu.
Giá xăng dầu giảm năm qua chính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phàn nàn, kêu lỗ, gây khó hiểu cho người dân. Doanh nghiệp kêu lỗ hàng tỉ đồng do phải dự trữ xăng dầu tới 30 ngày trong khi lúc bán ra thì giá đã hạ. Tập đoàn xăng dầu phải lên tiếng rằng, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, cho nên việc lỗ là khó tránh khỏi. "Dù có lỗ chúng tôi không dám kêu ca gì bởi đây là quy luật chung của kinh doanh cũng như xu hướng của giá dầu thế giới”-lãnh đạo tập đoàn này cho biết.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ xăng dầu cũng chịu thua thiệt chứ không có lãi.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp xăng dầu đang “lờ” đi khoản chi phí định mức, bởi không có lý do gì cước vận tải nói chung đã giảm mà riêng vận tải xăng dầu lại không điều chỉnh xuống. Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu nên về mốc 860 đồng/lít là hợp lý, thay vì giữ ổn định ở 1.050 đồng/lít như hiện nay.
Rõ ràng, giá xăng dầu giảm cũng lắm chuyện. Nhưng nhìn rộng ra, theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, giá xăng dầu giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm, hàng hóa không giảm tức là sản xuất kém, không có khả năng kích thích nền kinh tế phát triển, chưa tạo ra sức lan tỏa với nền kinh tế. Nghĩa là nền kinh tế đang gặp phải bất lợi.