Năm 2014: “Chợ” nào sẽ giúp tăng thị phần?

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa đang có những chiến lược cải tiến hình thức bán hàng đầy mạnh mẽ khi trực tiếp bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp. Xu hướng liên doanh liên kết “mở chợ” với khối ngoại lại đang dần trở thành lựa chọn của nhiều DN nội.

Mở ra xu hướng phân phối hiện đại

Năm 2013 có tới 60.730 DN giải thể ngừng hoạt động nhưng Vinamit – chuyên bán hàng sấy khô vẫn tồn tại và có doanh số kinh doanh đáng ghi nhận. Vinamit trực tiếp bắt tay với siêu thị Co.opmart để phân phối sản phẩm của chính mình. Mặt trước ghi tên sản phẩm Vinamit, mặt sau ghi tên Co.opmart. Còn trên đất Mỹ, Vinamit “cộng hưởng” với Hãng phân phối Dole doanh số hàng năm của hãng đồ sấy này tại Mỹ lên tới 7 tỷ USD.

“Đây là cách mượn lực bên ngoài để phát triển”- ông Nguyễn Lâm Viên - Giám đốc Vinamit khẳng định. Cả Co.opmart lẫn Dole là những nhà phân phối đình đám. Việc DN trực tiếp phối hợp với doanh nghiệp phân phối ở các siêu thị- những cái chợ hiện đại- được xem như là một giải pháp cứu nguy trong nền kinh tế lao dốc.

Năm 2014: “Chợ” nào sẽ giúp tăng thị phần? - 1

Chợ truyền thống sẽ phải cạnh tranh với kênh và hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, chợ online, thương mại điện tử... (ảnh minh họa).

Một xu thế bán lẻ mới nữa đang lên ngôi thời hội nhập là việc DN tiếp thị hàng tại điểm bán lẻ. Tức là DN tập trung giới thiệu cho người đi mua hàng chứ không phải cho người tiêu dùng trực tiếp sản phẩm đó. Hình thức kinh doanh này đang được các hãng sữa ngoại thương hiệu lớn như Abbot, Mead Johnson khai thác.

“DN trực tiếp liên doanh với nhà phân phối sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN”- ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định. Ông Phú nhận xét: Hệ thống bán lẻ nội địa cũng đang chuyển từ phân phối truyền thống là các chợ sang kênh hiện đại là siêu thị và những điểm bán hàng tập trung. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân bổ rộng khắp cả nước. Cách làm này hạn chế được tối đa các khâu phân phối trung gian, DN tối đa hóa được lợi nhuận, đơn vị phân phối có nguồn cung ổn định.

Lo ngại thâu tóm!

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Hàng chục năm nay, chính sách của Bộ Công Thương cho ngành bán lẻ không nhiều, mới đây chỉ ưu tiên đất đai cho chuỗi bán lẻ ở thị trường nông thôn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập từng bước của giới đầu tư nước ngoài. Bài toán đặt ra là làm sao để hợp tác có lợi mà không bị “nuốt chửng”, bởi năm 2013 nhiều thương hiệu cho thấy sau hợp tác là thâu tóm. Trong đó trường hợp của Bibica là điển hình. Bibica đang có nguy cơ vĩnh viễn biến mất và rơi vào tay đại gia bán lẻ Lotte - Hàn Quốc.

Xung quanh giải pháp để các DN nội có thể tự đứng vững, kể cả khi “bắt tay” với DN ngoại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng: Năm 2014 chính sách thu hút đầu tư sẽ mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế, để có thể “sống sót và phát triển” các DN trong nước phải cạnh tranh và tiến lên, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ. “Hội nhập mang lại những thách thức, nhưng kèm với đó là cơ hội có thêm thị trường, cạnh tranh và chuyển giao công nghệ”- ông Thành nói.

Thực tế thời gian qua, thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự bắt tay của 4 DN lớn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ Việt Nam đó là: Satra, Hapro, Phú Thái và SaigonCo.op nhằm tạo nên một liên minh bán lẻ, với kỳ vọng xây dựng một thương hiệu lớn để có "sức mạnh" cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, sự hợp tác này chưa đem lại thành công như kỳ vọng bởi còn nhiều rào cản.

“Cản trở lớn nhất để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thành lập liên minh, tổ chức các “siêu chợ” chính là tiếp cận đất đai, hạ tầng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”.ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái

“Cần xây dựng chuỗi hỗ trợ phát triển mạnh để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong hệ thống bán lẻ, song việc tiếp cận mặt bằng, xin quỹ đất để xây dựng kho bãi tại các địa phương vẫn rất khó khăn”.TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN