Mỹ thiếu cơ sở để kiện tôm Việt

DN tôm của Mỹ cho rằng các DN tôm Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp, trợ giá từ Chính phủ về vốn, tiền thuê đất nuôi tôm, thuế, phí là thiếu cơ sở.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tối 28-12-2012, VASEP có nhận được thông tin một nhóm doanh nghiệp (DN) tôm của Mỹ đã nộp đơn kiện thuế chống trợ giá đối với mặt hàng tôm từ Việt Nam và các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ecuador. PV đã trao đổi với ông Lĩnh để làm rõ hơn vấn đề này.

Chiêu mới: Bảo hộ bằng cách đổ thừa

Phóng viên: Thưa ông, dựa trên cơ sở nào mà nhóm DN Mỹ lại nộp đơn kiện thuế chống trợ giá đối với tôm Việt Nam? Thực tế DN mình có nhận khoản trợ cấp như thế không?

+ Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP: Đây là lần đầu tiên tôm Việt Nam bị kiện thuế chống trợ giá tại Mỹ, từ trước tới nay chỉ bị kiện chống bán phá giá.
Theo thông tin hiệp hội nhận được, các DN tôm của Mỹ cho rằng các DN tôm Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp, trợ giá từ Chính phủ về vốn, tiền thuê đất nuôi tôm và các loại thuế, phí khác nên mới bán giá tôm thấp. Tuy nhiên, lý do này thiếu cơ sở vì DN tôm Việt Nam không hề nhận được sự trợ cấp nào từ Chính phủ. Thậm chí, DN tôm Việt Nam đang tự cứu mình, vẫn phải vay vốn lãi suất cao, lãi suất ưu đãi thì không tiếp cận được, các loại thuế, phí phải đóng mỗi năm còn nhiều hơn cả DN Mỹ với đủ loại như dịch vụ môi trường, thủy lợi, quốc phòng, kiểm dịch, vận chuyển… Các DN kêu gọi Chính phủ giải cứu mà có được gì đâu.

. Hết kiện thuế chống bán phá giá giờ lại kiện thuế chống trợ giá, phải chăng mục đích của phía Mỹ là muốn bảo hộ DN tôm nước mình?

+ Đúng vậy! Các DN tôm của Mỹ lo ngại sự phát triển kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á, nhất là khâu nuôi trồng thủy hải sản ngày càng đạt trình độ kỹ thuật cao, chi phí thấp nên giá thành thấp. Trong khi tôm của các DN Mỹ chủ yếu khai thác từ đánh bắt nên chi phí nhiều, giá bán cao. Mấy năm nay, biên độ thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam đã giảm dần, nhiều DN còn được hưởng mức thuế 0%. Và chắc chắn trong thời gian tới thủy sản Việt Nam sẽ thắng kiện hoàn toàn. Lo sợ hết chiêu để bảo hộ cho DN nước mình, phía Mỹ tung chiêu mới kiện thuế chống trợ giá đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài. Đây là xu thế bảo hộ bằng cách đổ thừa cho kẻ khác!

Mỹ thiếu cơ sở để kiện tôm Việt - 1

Con tôm Việt Nam đang tự “bơi” trong khó khăn vì dịch bệnh, giá thức ăn tăng, thiếu vốn... chứ không hề có sự trợ giá nào từ Chính phủ.

Cần tiếng nói của Chính phủ

. Nếu xảy ra trường hợp thua kiện, ngành xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ hứng chịu những thiệt hại gì, thưa ông?

+ Vụ kiện chống trợ giá dự kiến kéo dài hơn một năm. ITC có nhiệm vụ điều tra tôm Việt gây thiệt hại vật chất cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ nhiều hay ít. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thì tính toán mức thiệt hại mà tôm Việt gây ra cho các DN Mỹ. Nếu Mỹ kết luận tôm Việt bán theo giá được trợ cấp thì chắc chắn DN Việt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chính phủ Mỹ sẽ áp một khoản thuế chống trợ giá, đồng nghĩa với giá bán tôm Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng, trong khi giá thành tôm Việt Nam lại đang cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á 1-1,5 USD/kg. Và khi đó, con tôm Việt Nam bị áp đến hai loại thuế là bán phá giá và bán giá trợ cấp, sức nặng “một cổ hai tròng” sẽ giết chết sức cạnh tranh của DN Việt.

. Phía hiệp hội và các DN đang chuẩn bị đối đầu vụ kiện này ra sao?

+ VASEP đã thông tin về vụ kiện cho các DN trong ngành. Theo đó, các bên sẽ tập hợp số liệu, giấy tờ cần thiết để chứng minh, trả lời cho phía Mỹ. VASEP đã thuê một công ty luật chuyên về chống trợ giá để thay mặt các DN Việt tham gia vụ kiện này.

Đối với vụ kiện chống bán phá giá, DN phải tự chứng minh để không phải chịu thuế bởi chính họ đưa ra giá bán xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với vụ kiện chống trợ giá này thì vai trò của Chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng, quyết định sự thành-bại. Vì việc trợ giá gắn liền với một loạt chính sách của Nhà nước, Chính phủ, bộ, ban ngành ứng dụng lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành tôm. Khi DOC tiến hành điều tra, nếu Chính phủ đứng ra chứng minh không hề có sự trợ giá nào cho DN tôm trong nước thì chắc chắn sẽ thuyết phục hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Các bước Mỹ tiến hành vụ kiện thuế chống trợ giá

Sau 45 ngày tính từ ngày nhóm DN nộp đơn kiện, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) sẽ đưa ra quyết định ban đầu về việc có hay không thiệt hại kinh tế. Khoảng 25 ngày sau, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ điều tra việc áp dụng thuế chống trợ giá. DOC sẽ gửi bảng câu hỏi về số lượng và giá trị xuất khẩu cho tất cả DN xuất khẩu tôm Việt Nam mà phía Mỹ có thông tin. DN Việt Nam sẽ được yêu cầu trả lời một cách chính xác và đầy đủ bảng câu hỏi, nộp lại DOC. Nếu DN nào không tham gia trả lời bảng câu hỏi sẽ bị áp đặt mức thuế chống trợ giá rất cao, có khả năng khiến họ không thể xuất khẩu sang Mỹ.

Sau đó, DOC sẽ chọn 2-3 hoặc bốn nhà xuất khẩu Việt Nam lớn nhất làm “bị đơn bắt buộc”. Các bị đơn bắt buộc này sẽ tiếp tục nhận được bảng câu hỏi chi tiết liên quan đến thuế chống trợ giá và phải trả lời. DOC sẽ kiểm tra các cơ sở của các bị đơn bắt buộc. Nếu điều tra xác định có trợ cấp, DOC sẽ áp đặt một khoản thuế chống trợ giá bổ sung trên hàng nhập khẩu vào Mỹ như đang áp dụng đối với thuế chống bán phá giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN