Mỹ giảm thuế chống bán phá giá: Tôm Việt rộng đường xuất khẩu?
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giảm mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1.2.2016 - 31.1.2017) tới 7 lần so với kết quả sơ bộ hồi tháng 3.2018 có thể coi là một thắng lợi vẻ vang của ngành tôm trong suốt 13 năm ứng phó với mức áp thuế chống bán phá giá của Mỹ. Điều này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng của ngành, vốn đang bị sụt giảm bởi nhiều yếu tố.
Mức thuế giảm tới 7 lần
Theo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 do DOC Mỹ công bố ngày 10.9.2018, mức thuế cho Công ty Fimex sẽ là 4,58%; mức thuế cho các công ty khác là 4,58%.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho 40 bị đơn còn lại là những DN đang xuất khẩu tôm vào Mỹ.
Mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Mỹ thông báo ngày 8.3.2018 và cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.
Xuất khẩu tôm có thể sẽ khởi sắc sau quyết định giảm thuế của Bộ Thương mại Mỹ. Ảnh: T.L
Xuất khẩu tôm sang Mỹ: Năm 2017: 659 triệu USD, giảm 7% so với năm 2016. 8 tháng năm 2018: 372 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Cả năm 2018 (dự kiến): 615 triệu USD. |
Còn nhớ hồi tháng 3.2018, kết quả sơ bộ POR12 Mỹ áp cho con tôm Việt Nam (cụ thể là mức thuế cho Fimex) lên đến 25,39%, các công ty khác cũng sẽ chịu chung mức thuế này. Thời điểm đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng các DN hết sức bất ngờ với mức thuế này và tin rằng đã có sự nhầm lẫn đáng kể trong tính toán biên độ.
Theo VASEP, trong suốt 13 năm tham gia các kỳ xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ, chưa có DN nào nhận được biên độ bán phá giá theo tỷ lệ phần trăm cao hơn một chữ số, cụ thể Fimex đã được xem xét và thẩm tra trong giai đoạn POR9 và đã có mức thuế 0%. VASEP và các DN hoàn toàn có cơ sở tin rằng đã có sự nhầm lẫn nào đó trong kết quả này.
Và sau khi xem xét chi tiết, Công ty Fimex phát hiện đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố. Chính vì vậy, khi DOC công bố kết quả cuối cùng với mức thuế giảm tới 7 lần, những người làm trong ngành chế biến và xuất khẩu tôm vô cùng mãn nguyện.
TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, khi qua Fimex thẩm tra, phái đoàn DOC đã nhận được đầy đủ tất cả thông tin yêu cầu và DOC đã xem xét chu đáo, khách quan các thông tin trung thực và hợp lý mà DN cung ứng. “Đây là thắng lợi bước đầu, giờ các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ” – ông Lực nói.
Trả lời báo chí, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho rằng, đó là kết quả của quá trình hợp sức, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN trong ngành đấu tranh với phía Mỹ. Bên cạnh đó, VASEP cũng đã bỏ ra một số tiền tương đối lớn thuê luật sư nước ngoài đồng hành cùng DN, điều này cho thấy chúng ta đã chuẩn bị vô cùng bài bản cho cuộc đấu tranh này.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chuẩn bị bài bản của khối DN xuất khẩu tôm là một trường hợp đáng để các khối DN khác học hỏi để tự bảo vệ quyền lợi của mình trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng các động thái bảo hộ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, XK thủy sản của Việt Nam 8 tháng năm 2018 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, việc các DN phải trang bị các chiến lược đấu tranh trong các vụ kiện chống bán phá giá là vô cùng cần thiết bởi số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, số lượng các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam đã lên tới 78 vụ và xu hướng ngày càng tăng.
Xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc?
Có thể thấy, những tác động của mức thuế chống bán phá giá là vô cùng rõ nét và mạnh mẽ, điều đó được chứng minh qua con số kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm những tháng đầu năm 2018 có sự sụt giảm đáng kể.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, XK thủy sản của Việt Nam 8 tháng năm 2018 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng chung đó, XK tôm từ quý II.2018 lại sụt giảm và tiếp tục xu hướng này trong quý III, với mức giảm 20% trong tháng 7 và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8. Tính đến hết tháng 8, kim ngạch XK tôm đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là do các nước nhập khẩu đẩy mạnh siết chặt các hàng rào kỹ thuật. Theo đó, cuối tháng 2 đầu tháng 3.2018, Australia cử đoàn công tác sang Việt Nam xem xét vấn đề phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, chuỗi sản xuất tôm. Tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc cũng cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Kuwait cũng ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác có xuất xứ từ Việt Nam từ tháng 6.2018 do xuất hiện virus bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tínhở tôm.
Tại Mỹ, tác động của việc áp thuế chống bán phá giá khiến XK tôm sang thị trường này giảm mạnh. Năm 2017, trong khi XK tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh thì XK sang Mỹ đã giảm 7%, còn 659 triệu USD; 8 tháng năm 2018 con số này tiếp tục giảm 10,5%, xuống còn khoảng 372 triệu USD. Mỹ không còn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam mà xếp ở vị trí thứ tư.
Theo đánh giá của VASEP, với kết quả cuối cùng POR12, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục, đưa kết quả XK tôm cả năm 2018 sang thị trường này lên khoảng 615 triệu USD, giảm 6,5% so với năm 2017. Tính chung, XK tôm năm 2018 có thể đạt khoảng 3,7 – 3,8 tỷ USD, tương đương năm 2017.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Giá tôm nhích lên Nếu như trong 2 quý đầu năm nay, giá tôm thế giới giảm mạnh do nguồn cung tăng thì trong vài tháng gần đây, người nuôi tôm ở các nước có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Thái Lan... có xu hướng giảm thả nuôi, khiến giá tôm nhiều thời điểm có xu hướng nhích lên. Riêng ở thị trường Mỹ, do tác động của thuế chống bán phá giá cao nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm kể từ năm 2017 đến nay. Hiện Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Ông Phạm Hữu An - Giám đốc Công ty TNHH An Lộc Nguyên: Dư địa xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ còn rất lớn Trải qua nhiều năm phát triển, trình độ nuôi tôm chân trắng của nông dân Việt Nam khá cao và có nhiều tiềm năng có thể phát triển nuôi tôm sú. Trong khi đó, nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững trong thời gian tới. Theo dự báo, nhu cầu tôm của thế giới đến năm 2020 là 5,2 triệu tấn, đến năm 2025 sẽ là 6,5 triệu tấn. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, sản xuất chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng và có thêm các điều kiện thuận lợi khác, ngành tôm Việt Nam có thể tăng tỷ trọng tại thị trường Mỹ. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Xuất khẩu tôm sụt giảm ở nhiều thị trường Kể từ quý II.2018 đến nay, xuất khẩu tôm vẫn trong xu hướng sụt giảm mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong tháng 7.2018, xuất khẩu tôm giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm mạnh. Xu hướng sụt giảm này tiếp tục duy trì sang tháng 8.2018, với giá trị xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm liên tục về giá trị xuất khẩu trong những tháng gần đây đã khiến xuất khẩu tôm của cả nước trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khải Huyền (ghi) |