Muốn xuất khẩu cá tra phải học tiếng Trung, bỏ qua Anh, Nhật
“Thay vì học tiếng Anh, tiếng Nhật thì nên ráng học tiếng Trung Quốc. Đây là một ví dụ điển hình và cũng là cách làm hay để có thể dễ tiếp cận, tìm hiểu về thị trường lớn này, qua đó giúp giữ vững hoặc tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới” – lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết.
Người dân phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh: Huỳnh Xây.
Trung Quốc ăn cá tra Việt nhiều nhất thế giới
Tính đến tháng 3, diện tích cá tra nuôi mới ở đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL là 739ha, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 26ha. Địa phương có diện tích thả nuôi mới nhiều nhất là An Giang với tổng diện tích là 186ha, tăng 128ha so với cùng kỳ.
Theo ngành chức năng các địa phương, nguyên nhân tăng diện tích trên là do giá cá nguyên liệu bán ra tăng (hiện đang ở mức 26.000 đồng/kg). Giá cá nguyên liệu tăng cũng đã kéo theo giá cá giống tăng, hiện từ 28.500-36.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).
Mặc dù diện tích nuôi tăng nhưng theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu cá tra đang giảm, cụ thể là đến nửa đầu tháng 2, chỉ đạt 164 triệu USD, giảm đến 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ, EU và ASEAN giảm, riêng Trung Quốc tăng.
Theo phóng viên tìm hiểu, không chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tăng đều từ năm 2010 cho đến năm 2016. Cụ thể, năm 2010, kim ngạch đạt 43 triệu USD nhưng đến năm 2015 đã lên đến 154 triệu USD, năm 2016 đạt 272 triệu USD.
“Trung Quốc là thị trường lớn do có nhu cầu cao về thuỷ sản, dễ vận chuyển khi xuất khẩu do có chung đường biên giới. Hơn nữa, đây là thị trường có tính ổn định về hải quan và không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn” - ông Trần Thanh Phong – đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin.
Người dân phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ đang cân cá tra đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Huỳnh Xây.
“Phải ráng học tiếng Trung Quốc”
Ông Võ Hùng Dũng: Phải ráng học tiếng Trung “Qua số liệu xuất khẩu cho thấy, dù thế nào đi nữa thì đây là thị trường lớn, cần phải tính đến việc tìm hiểu và tiếp cận họ. Để làm được điều này, một ví dụ điển hình và cũng là cách làm hay là nên ráng học tiếng Trung Quốc thay vì lo học tiếng Anh, tiếng Nhật như trước đây”. |
Về diện tích thả nuôi mới được mở rộng do giá cá bán ra tăng, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI - Cần Thơ)- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nêu quan điểm: “Không thể trách nông dân nuôi cá chạy theo giá thị trường, vì họ không nuôi thì lấy gì mà sống”.
“Cơ quan lãnh sự, cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại nhiều nơi nhưng thông tin thị trường tiêu thụ ở các nước vẫn còn rất yếu. Trách nhiệm ở đây là của Nhà nước đã để dể xảy ra tình trạng này, gây tổn thất lớn cho ngành thuỷ sản. Ở đây, ngành chức năng không làm được gì thì rầy người dân” – Giám đốc VCCI Cần Thơ nói.
Ông Dũng khẳng định, vấn đề giá cả cá tra hiện nay lên hay xuống đã không còn phụ thuộc vào nguồn cung khan hiếm mà là do nhu cầu thị trường thay đổi. Khi thị trường không cần thì giá cá lập tức sẽ xuống ngay. Để xuất khẩu tăng, giá cả ổn định trong thời gian tới, riêng ở thị trường Trung Quốc, ông Dũng cho rằng, cách duy nhất ở đây là nghiên cứu nhiều hơn về thị trường này.
Về thị trường Châu Âu, ông Dũng cho biết, phải tăng cường về chất lượng, có tư liệu vững chắc để người mua tin tưởng và có cách phản bác lại những thông tin sai lệch về chất lượng đối với sản phẩm cá của nước ta.
Theo VCCI - Cần Thơ, hiện nay, ĐSBCL đang gặp khó khăn về con giống cá tra vì nguồn cá bố mẹ có chất lượng cực kỳ khan hiếm, phần lớn đã bị suy thoái. Con giống là vấn đề sống còn của ngành thuỷ sản nhưng thực tế, ở khu vực trọng điểm về nông nghiệp này, vẫn chưa có cơ quan nào nghiên cứu sâu về vấn đề nguồn cá giống.