Muốn bán gạo vẫn phải sang ...Singapore, Campuchia?

Sự kiện: Kinh Doanh

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn khỏi những điều kiện thắt ngặt.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 4-1 đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo (Quyết định 6139/QĐ-BCT).

Theo đó, chính thức bãi bỏ một số tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo; tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo.

Muốn bán gạo vẫn phải sang ...Singapore, Campuchia? - 1

Mới bỏ được một phần

Bộ Công Thương giải thích việc bãi bỏ trên là nhằm loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Từ đó đảm bảo tính minh bạch của thể chế, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bình luận: “Việc bãi bỏ một số điều kiện xuất khẩu gạo là phù hợp với xu thế cải cách hành chính. Điều này sẽ góp phần giúp các DN có tính sáng tạo và tự chủ cao hơn khi đối mặt với thị trường”.

Tán đồng với quan điểm trên nhưng nhiều công ty xuất khẩu gạo cho rằng động thái trên mới chỉ ở bước đầu tiên và chưa có nhiều tác dụng. Bởi thực tế quyết định trên vẫn chưa loại bỏ hẳn cơ chế xin-cho nên thương nhân xuất khẩu gạo vẫn chưa được tháo cởi hoàn toàn. Nó chỉ mới loại bỏ những điều kiện không đáng ngại trong khi những điều kiện khắc nghiệt thì vẫn tồn tại.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng với các công ty đã đủ điều kiện xuất khẩu gạo thì những tiêu chí như phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn/năm, phải xuất khẩu gạo trong 12 tháng liên tục... là dễ dàng, không cần bỏ họ cũng đáp ứng được.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo khác nhận định việc bỏ quy định khống chế 150 đầu mối xuất khẩu gạo vào thời điểm này không có nhiều ý nghĩa. Bởi trong năm 2016 số lượng DN xuất khẩu đã giảm. Hơn nữa thị trường bế tắc, khó khăn nên không có chuyện các DN mới sẽ nhảy vô lĩnh vực này.

Nhiều công ty khác cũng nhận xét dù Bộ Công Thương đã bãi bỏ một số điều kiện nhưng các DN nhỏ vẫn tiếp tục gặp trở ngại, phải xuất khẩu qua hình thức ủy thác. Thậm chí xuất khẩu gạo bằng việc lập DN ở nước ngoài thì mới bán được gạo.

Muốn bán gạo vẫn phải sang ...Singapore, Campuchia? - 2

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn còn bị trói buộc trước nhiều quy định khắt khe. Ảnh: HTD

Nút thắt lớn nhất

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết vấn đề được nhiều công ty xuất khẩu gạo quan tâm nhất vẫn là những điều kiện xuất khẩu gạo nằm trong Nghị định 109/2010 đang áp dụng.

Theo đó, nghị định này quy định muốn xuất khẩu gạo, DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa khô; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa khô/giờ.

“Đây là những trở ngại lớn đối với DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, nó là nút thắt khắc nghiệt đối với những công ty muốn làm gạo thương hiệu có giá trị cao nhưng không đủ vốn để đầu tư kho chứa hoành tráng, nhà máy rộng, công suất lớn như Nghị định 109 yêu cầu” - ông Đôn nói.

Từ đó ông Đôn đề nghị cần bãi bỏ hoặc điều chỉnh những quy định bất hợp lý tại nghị định trên để những DN nhỏ đang làm tốt chất lượng, thương hiệu dễ dàng xuất khẩu gạo.

Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May, ông Phạm Minh Thiện, cho biết thêm từ năm 2014, công ty đã phải ngậm ngùi đánh mất hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp sang thị trường Singapore. Lý do là không đủ điều kiện theo quy định khắt khe tại Nghị định 109/2010 về kho chứa.

Để giải bài toán này, Cỏ May đành phải thành lập Công ty Cỏ May Singapore tại quốc gia này để nhập gạo của chính mình từ quê nhà qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu.

“Đây là bước đi khiến chúng tôi tốn rất nhiều thời gian để soạn thảo hợp đồng ký kết với đối tác xuất khẩu gạo. Tốn thêm 2 USD cho mỗi tấn gạo xuất đi, đó là chưa kể các chi phí hành chính, vận hành… của công ty tại Singapore. Chưa kể việc phải đi lòng vòng khiến chúng tôi không dám mở rộng xuất khẩu, không thể tìm được các đối tác lớn” - ông Thiện nói.

Do đó theo ông Thiện, một số rào cản vừa được Bộ Công Thương bãi bỏ là khởi đầu tốt. Song nếu nhiều điều kiện trong Nghị định 109/2010 chưa sửa đổi quyết liệt thì DN nhỏ vẫn còn vướng “vòng kim cô”.

Một số chuyên gia đề xuất cần bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đang làm méo mó thị trường trong Nghị định 109/2010. Lý do là nó tạo ra sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, loại bỏ DN nhỏ tham gia thị trường. Cách nay không lâu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Sẽ sửa đổi Nghị định 109 trong năm 2017

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Nghị định 109 sẽ được nghiên cứu sửa đổi trong năm 2017. Bộ đã chỉ đạo thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập để triển khai nhiệm vụ này ngay trong đầu năm 2017.

“Công tác thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo... cũng sẽ là những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2017 để hỗ trợ DN. Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, VFA và các DN để cụ thể hóa những công việc và nhiệm vụ trong tháng 1-2017” - Bộ trưởng cho biết.

Khi Bộ Công Thương bãi bỏ Quyết định 6139 thì cũng là lúc Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vừa có hiệu lực ngày 1-1-2017. Trong danh mục này, ngành xuất khẩu gạo lại được xếp vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN