Muối, đường, trứng: Thừa vẫn nhập vì WTO
Sau khi công bố hạn ngạch nhập khẩu muối năm 2012 là 102.000 tấn; đường tinh luyện, đường thô là 70.000 tấn; trứng gia cầm là 40.000 tá, người dân tỏ ra khá nghi ngờ về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), người sản xuất nông sản bởi: mức hạn ngạch nhập khẩu quá cao trong khi lượng hàng tồn kho trong nước quá lớn.
Tuy nhiên, giải thích về mức hạn ngạch này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, việc nhập khẩu (NK) các mặt hàng trên đều phải dựa trên nguyên tắc cam kết Quốc tế.
WTO “làm khó” nông dân
Theo Vụ phó vụ Xuất Nhập khẩu Phan Thị Diệu Hà, đường, muối, trứng gia cầm là những mặt hàng nông sản được quản lý theo hạn ngạch thuế quan, không cấm nhập khẩu (NK). Mức hạn ngạch NK hàng năm được Bộ Công thương trao đổi với Bộ NN&PTNT, Tài chính và đã được thống nhất ngay từ đầu năm, và con số này đã được các bộ cân nhắc để đảm bảo có thể sử dụng tối đa lượng đường, muối sản xuất trong nước.
Đối với mặt hàng muối, tuy công bố là 102.000 tấn, nhưng giao đợt 1 chỉ là 53.000 tấn, trong đó 51.000 tấn cho sử dụng muối làm hóa chất; 2.000 tấn cho nguyên liệu làm thuốc, y tế. Sau khi thống nhất, ban hành, Bộ Công thương đã phân giao cho các DN sản xuất làm thuốc, sản phẩm y tế là 1.544 tấn. Riêng, đối với DN hóa chất, giao 51.000 tấn vào tháng 9.2012 nhằm tiêu thụ hết muối sản xuất trong nước.
Đối với các DN được cấp hạn ngạch thuế quan (HNTQ), bà Hà cho biết, các DN phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định cấp giấy phép: ghi đúng là hàng NK theo HNTQ, không được mua bán trao đổi, phải báo cáo định kỳ hàng tháng… theo quy định của bộ. Các DN được phân giao hạn ngạch nhưng không sử dụng hết sẽ được điều chuyển…
Trong khi ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong bài toán đầu ra, khiến lượng hàng tồn kho nhiều, mà mức HNTQ đối với mặt hàng trứng gia cầm là 40.000 tá, nhà sản xuất, người nông dân vô cùng băn khoăn về con số quá cao này và việc có hay không sự thật muốn cứu DN của các cơ quan?
Muối đầy “nhà” nhưng vẫn nhập. Bộ Công thương lý giải phải dựa trên nguyên tắc cam kết quốc tế. (Nguồn internet)
Giải thích về điều này, bà Hà thông tin thêm: Theo cam kết WTO, có 4 mặt hàng cam kết là phải có hạn ngạch thuế quan, trong đó có trứng gia cầm. Năm 2007, Việt Nam nhập 30.000 tá. Theo cam kết này, mỗi năm, mức hạn nhập phải tăng thêm 5%. Đến năm 2010, số lượng lên là 40.000 tá. “Đúng là, trứng gia cầm trong nước đang dư thừa. Tuy nhiên, việc nhâp này phải theo thông lệ quốc tế. Từ khi công bố hạn ngạch thì chưa có DN nào đăng ký nhập mặt hàng trứng”, bà Hà cho biết thêm.
Còn theo giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, việc áp mức hạn ngạch này không có gì thay đổi so với năm trước và không có ảnh hưởng đến chăn nuôi. Cái chính là cơ chế phân giao hạn ngạch như thế nào để hạn chế được bất cập.
Đối với muối, trước tiên phục vụ cho dược phẩm và y tế; phục vụ cho công nghiệp hóa chất. Từ năm 2011, không phân bổ muối cho các DN sản xuất thực phẩm, không được đưa muối ra điều tiết thị trường.
“Các đối tượng sử dụng mặt hàng khác nhau nên Bộ gặp nhiều áp lực trong việc phân giao hạn ngạch. Tuy nhiên, vẫn cương quyết không phân giao hạn ngạch cho các DN chế biến thực phẩm”, ông Biên quả quyết.
Điều hành hạn ngạch phải “chờ thời cơ”
Trong cơ chế phân giao hạn ngạch NK đường đang bộc lộ nhiều bất cập, khi nói đến đề xuất chuyển sang đấu thầu hạn ngạch, ông Biên cho rằng tất cả đều phải thực hiện theo cam kết quốc tế và tham khảo trong việc phân giao hạn ngạch quốc tế. Mục tiêu đưa ra là công bố, phân giao các mặt hàng này phục vụ cho các DN sản xuất cần các mặt hàng này như nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, theo nhận xét của mình, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc đấu thầu rất khó khả thi bởi, DN có khả năng tài chính nhập ngoài hạn ngạch sẽ bỏ giá cao hơn so với các DN có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính. Ngoài ra, các công ty thương mại có thể bỏ thầu cao để bán cho các DN theo giá ngoài hạn ngạch.
“Nếu tổ chức đấu thầu, các DN trong nước khó cạnh tranh với các DN nước ngoài bởi các DN này họ tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng rẻ hơn các DN trong nước”, ông Biên nói.
Phản đối ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng đang thờ ơ trước việc tồn kho trong nước, nhập khẩu những mặt hàng “đầy sẵn” trong nhà, ông Biên khẳng định: chủ trương hỗ trợ người sản xuất đã rất rõ ràng. Từ chỗ nhập khẩu muối, đường để cân bằng thị trường, cung cho người tiêu dùng, đến khi ổn định, ngừng lại và khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng đường, muối sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, ông Biên thông tin, đang có một thực trạng, các DN sản xuất trong nước cung cấp đường, muối cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, chất lượng muối không đảm bảo ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. “Đây chính là áp lực rất lớn với các nhà sản xuất, nên phải cho họ hạn ngạch NK, nhưng cũng kiên quyết bắt họ liên kết với các nhà sản xuất trong nước. Nhưng không phải ai cũng lắng nghe khuyến cáo mà vẫn chấp nhận nhập khẩu ngoài hạn ngạch với giá cao để sản phẩm đảm bảo khi ra thị trường”, ông Biên nói.
Việc điều hành hạn ngạch và phân giao mặt hàng đường, Thứ trưởng cho biết, liên bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, và lựa chọn thời điểm chín muồi – quá chín muồi để vụ thu hoạch mía kết thúc sau vài tháng để không ảnh hưởng tới bà con nông dân. “Điều hành hạn ngạch là bước quá độ để dần dỡ bỏ thuế suất bảo hộ”.