Mùa Tết, bánh kẹo nội yếu thế

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Phân khúc bánh kẹo biếu tặng dịp Tết đã rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, bánh kẹo, bia và nước ngọt là ba ngành hàng được chọn mua làm quà tặng nhiều nhất dịp Tết. Hiện nay đang là “thời điểm vàng” sôi động nhất của thị trường bánh kẹo.

Bánh kẹo ngoại chiếm ưu thế

Khảo sát tại một số siêu thị như Lotte Mart, Big C, MM Mega Market cho thấy bánh kẹo ngoại năm nay chiếm ưu thế. Trên các quầy kệ, bánh kẹo ngoại thường được trưng bày ở vị trí đẹp nhất của siêu thị. Trong đó bánh kẹo Indonesia, Thái Lan, Argentina, Đức… xuất hiện tràn ngập.

Mùa Tết, bánh kẹo nội yếu thế - 1

Trong khi đó, bánh kẹo nội lép vế dù có sự cải tiến với bao bì, mẫu mã bắt mắt hơn trước đây. Thậm chí người mua nếu không đọc kỹ phần hướng dẫn trên bao bì sẽ khó nhận ra đó là hàng Việt.

Ông Trần Ngọc Chung, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị, nhận định bánh kẹo ở phân khúc biếu tặng (chiếm khoảng 25%-30% thị phần) đã rơi vào tay các công ty nước ngoài. Ông Chung phân tích: “Từ khi Kinh Đô bán 100% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez của Mỹ, cộng với việc nhiều hệ thống siêu thị liên tiếp rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, cơ hội cho bánh kẹo các nước xâm nhập vào thị trường Việt càng mạnh”.

Bên cạnh đó, theo ông Chung, nhiều công ty bánh kẹo nước ngoài cũng đầu tư trực tiếp vào thị trường nước ta. Họ có lợi thế về công nghệ hiện đại, quản lý chuyên nghiệp và quảng cáo mạnh. Điều này gây sức ép cạnh tranh rất mạnh đối với các nhà sản xuất trong nước.

Cùng nhận định trên, bà Phạm Thị Thanh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phạm Nguyên, cho rằng gần đây bánh kẹo Thái xuất hiện rất nhiều. “Lâu nay các công ty bánh kẹo trong nước vốn chủ yếu chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ ở sân nhà, nay lại có thêm nhiều đối thủ ngoại nhảy vào. Do đó miếng bánh giờ đây được san sẻ thêm, nếu không có chiến lược đúng thì công ty nội sẽ thất thế” - bà Thảo nói.

Mùa Tết, bánh kẹo nội yếu thế - 2

Thị trường bánh kẹo Tết đang sôi động. Ảnh: TÚ UYÊN

Vẫn còn khe cửa hẹp

Một số công ty bánh kẹo Việt cho rằng dù đang bị bánh kẹo ngoại tấn công nhưng hàng Việt vẫn có “sân chơi” riêng. Bà Phạm Thị Thanh Thảo nói bên cạnh việc mua bánh kẹo ngoại thì người tiêu dùng vẫn chọn lựa các thương hiệu trong nước vốn đã thân thuộc qua nhiều năm.

“Mỗi công ty dù nội hay ngoại đều có một thế mạnh riêng về sản phẩm, phân khúc giá cũng khác nhau… nên có đối tượng khách hàng khác nhau” - bà Thảo giải thích.

Tương tự, ông Trần Ngọc Chung cho rằng trước sức ép cạnh tranh gay gắt của những tập đoàn đa quốc gia, không một nhà sản xuất nào trong nước có thể “đơn thương độc mã” chiến đấu và chiến thắng được. Do đó các doanh nghiệp trong nước cần bắt tay nhau và Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với đối thủ ngoại.

Từ góc độ chuyên gia, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tri Tri Group, nhấn mạnh để cạnh tranh, các công ty bánh kẹo trong nước cần phải liên kết lại với nhau hoặc mở rộng liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài. Qua đó đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

“Điều quan trọng nhất là các công ty bánh kẹo cần tập trung cải thiện kỹ năng quản trị. Luôn sáng tạo, đổi mới để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh” - ông Chiến nói.

Năm nay bánh kẹo nhái vẫn còn nhưng không nhiều như mọi năm. Người tiêu dùng hiện có rất nhiều thông tin để biết đâu là bánh kẹo thật, đâu là hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng. Thế nên chúng tôi không lo lắng về hàng giả và hàng nhái như trước đây.

Bà PHẠM THỊ THANH THẢO, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phạm Nguyên

Thị trường bánh kẹo Việt Nam có tổng trị giá khoảng 30.000 tỉ đồng, với quy mô 500.000 tấn/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp Luật TPHCM)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN