Mùa lũ, loài cá hiếm nào ở miền Tây được ví như nhân sâm nước?
Mùa nước nổi ở miền Tây, nhất là năm nào nước lớn, vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp ngư dân đánh bắt được rất nhiều loại cá đồng, cá sông, trong đó loài cá chạch lấu sông được xem là một trong những loài cá đặc sản hiếm. Cá chạch lấu sông được ví như là nhân sâm nước bởi giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lý đàn ông.
Đông y gọi cá chạch, trong đó có cá chạch lấu với tên thuốc là thu ngư, cho rằng cá có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, tiêu khát, chữa nóng trong…
Da cá chạch lấu có hoa văn bắt mắt. Cá chạch lấu ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Ảnh: Văn Đoàn (NNVN).
Người ta đã phân tích thấy trong cá chạch chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như hàm lượng protein cao hơn hẳn thịt gà. Có rất nhiều phương thuốc mà cá chạch là dược liệu chính để chữa các bệnh suy nhược, thiếu máu, suy dinh dưỡng ở trẻ; chữa mồ hôi trộm ở trẻ em; tăng cường sức khoẻ và khả năng tình dục…
Cá chạch lấu có tên khoa học Mastacembelus Armatus. Thân có màu xanh đậm hoặc đen xám và nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục khắp thân, vây lưng và vây hậu môn; vây ngực có một đốm đen nhỏ, không có vây bụng. Loài cá có kích thước lớn, dài đến 90cm và có thể nặng từ 0,5-2kg.
Ở miền Tây, bắt cá chạch lấu có nhiều cách, trong đó có 2 cách chủ yếu là đặt lọp hay câu bằng cần câu. Tháng nước giật người dân đi câu cá chạch lấu bằng mồi tép. Cá chạch lấu thích dựa vào các gốc cây gáo, cây bần hoặc trú ngụ ở dưới các chân cầu, hốc đá... Dân làm nghề bà cậu thường neo xuồng cặp theo các bờ sông cạnh các gốc cây lớn rồi móc mồi tép vào lưỡi câu. Dùng chì neeo cách lưỡi câu chừng vài ba cm để cho lưỡi mau chìm xuống nước và không bị trôi.
Câu cá chạch lấu sông phải có kỹ năng và lành nghề. Ảnh: IT.
Cá chạch lấu rất dạn ăn, dễ cắn câu. Kinh nghiệm câu chạch lấu ở miền Tây là khi cá chạch lấu cắn câu phải kéo thật nhanh. Nếu kéo chậm hoặc rê rê kiểu câu cá lớn thì chạch lấu kéo dây câu chui vào hốc cây hoặc lùm bụi rất khó bắt.
Bắt chạch lấu cũng phải có nghề nếu không muốn bị thương. Dọc sống lưng chạch lấu có một hàng vây chạy dài với nhiều xương gai nhọn, sắc bén. Thông thường, khi giật cá chạch lấu lên chạch lấu giẫy rất khỏe. Giật cá lên bờ người câu sẵn khúc cây đập giữa lưng cá để khi gỡ cho nhanh và an toàn.
Mùa lũ đi đặt lọp bắt cá chạch chấu thì cũng thường bắt được cả cá rô đồng, cá trê, cá lóc. Cá chạch lấu bắt bằng cách đặt lọp trên đồng, trên sông đa phần là cá còn sống khỏe, bán được giá cao.
Mùa lũ năm nay trên các cánh đồng ngập nước huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp dân đặt lọp bắt được nhiều cá chạch lấu. Ảnh: Đoàn Xá (GDTĐ).
Những năm gần đây, lượng cá chạch lấu sông mùa lũ khan hiếm dần, số cá chạch lấu loại lớn, cỡ bự tầm vài lạng đến 1kg rất hiếm. Nếu có bắt được cá chạch lấu sông loại bự thì bán với giá rất cao. Gần đây nhất là vào giữa tháng 12/2017, một đầu bếp ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang mua được con cá chạch lấu sông nặng tới 1,1kg, dài 70cm của một ngư dân đánh bắt được trên sông đoạn qua TX Châu Đốc. Đây được xem là con cá chạch lấu lớn nhất từ trước tới nay và thuộc dạng quý hiếm ở miền Tây.
Cá chạch lấu sông loại lớn từ 2-3 con/kg ở chợ Mỹ Bình (TP Long Xuyên, An Giang) gần đây bán với giá cao ngất, từ 450-500.000 đồng/kg.
Mùa lũ năm nay, ngư dân đầu nguồn tỉnh An Giang khai thác được khá nhiều cá chạch lấu sông loại 2-3 con/kg. Tại chợ Mỹ Bình, chợ Long Xuyên (An Giang) loại lớn từ 450-500.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và một số địa phương khác ở miền Tây đã có nhiều nông dân cho cá chạch lấu sinh sản nhân tạo và ươm nuôi thành công loài cá này. Tuy nhiên, so với cá chạch lấu sông khai thác tự nhiên thì giá bán chỉ bằng 1/3 hoặc cùng lắm là bằng một nửa. Nguyên do là cá chạch lấu sông ngày càng khan hiếm, chất lượng thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng.
Ông Võ Văn Thọ, ấp 1, xã Khánh Bình, huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chạch lấu trên sông. Ảnh: Ngọc Trinh. (Zing).