Mua điện thoại Vertu giả với giá...1 triệu đồng để 'phông bạt'?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mới đây, một vài vụ việc liên quan đến các tiktoker, người nổi tiếng... trong một buổi livestream bán được hàng triệu sản phẩm, giá trị mang lại rất lớn nhưng bản thân người nổi tiếng cũng không kiểm soát được đâu là hàng giả.

Ngày 12-11, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM phối hợp Công ty Vina CHG tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)”.

Doanh nghiệp trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội thảo

Người tiêu dùng mua điện thoại hàng giả giá 1 triệu đồng?

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT cho biết, chuyển đổi số mang lại những giá trị tích cực, đặc biệt giúp doanh nghiệp (DN) bán được nhiều hàng hóa, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Tuy nhiên, hành vi xâm phạm quyền SHTT gia tăng. Các website, các trang thương mại điện tử (TMĐT), các mạng xã hội và mới đây là một loạt vụ việc liên quan đến các tiktoker, hotgirl, người nổi tiếng (KOLs)... trong một buổi livestream bán được hàng triệu sản phẩm, giá trị mang lại rất lớn. Tuy nhiên, bản thân các KOLs cũng không kiểm soát được đâu là hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng lậu nhập, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Người ta đưa cho KOLs quảng cáo hàng thật nhưng khi giao không phải KOLs giao, dẫn đến giao hàng giả. Rất khó xử lý vi phạm xâm phạm quyền trong lĩnh vực này" - ông Khuê nói.

Bên cạnh đó, do người tiêu dùng có nhu cầu nhưng không có khả năng chi trả nên chấp nhận chọn mua hàng giả để “phông bạt”. Đây là câu chuyện nhức nhối diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn, người tiêu dùng chấp nhận mua điện thoại Vertu giá một triệu đồng trong khi giá hàng thật hơn 800 triệu đồng hay túi LV giá 200.000 đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tý, Giám đốc điều hành công ty thời trang Nón Sơn cho biết, "sau nhiều năm phối hợp cùng lực lượng chức năng chống hàng giả kênh truyền thống, hiện nay điều chúng tôi lo lắng nhất là Nón Sơn giả đang bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội. Các đối tượng dùng app của Nón Sơn, dùng sản phẩm thật quảng cáo nhưng khi giao hàng lại giao hàng giả".

“Người tiêu dùng mua phải hàng giả với giá cao nên bức xúc đến cửa hàng Nón Sơn khiếu nại. Điều này khiến thương hiệu uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng” - ông Tý kể.

Khách tham quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội thảo. Ảnh: TÚ UYÊN

Khách tham quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội thảo. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần ngăn chặn hàng giả từ biên giới

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG nhận định, chuyển đổi số giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí, nguồn lực... nhưng các đối tượng lợi dụng để mua bán hàng giả nhiều. Vì vậy, cần có những giải pháp để ngăn chặn hành vi sao chép, kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực khi thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn được rao bán nhiều trên các sàn TMĐT, các nền tảng số, mạng xã hội.

Theo ông Dũng, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT rao bán trên TMĐT nói riêng và kênh truyền thống nói chung có nguồn trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, cơ quan chức năng cần truy tận gốc nơi sản xuất trong nước để xử lý triệt để chứ không dừng lại ở việc kiểm tra những người rao bán nhỏ lẻ trên mạng. Đối với hàng nhập từ nước ngoài, các cơ quan chức năng cần tăng cường chia sẻ thông tin để ngăn chặn từ biên giới.

“Nếu một container hàng giả tuồn vào nội địa sau đó phân tán ra hàng trăm, hàng ngàn người bán, chúng ta không thể đi xử lý từng hộ kinh doanh. Nếu ngăn chặn ngay từ biên giới với số lượng lớn, giá trị đủ lớn, chúng ta xử lý hình sự. Như vậy, sẽ tạo sự răn đe, phòng ngừa lớn. Nếu chúng ta rải quân đi bắt đơn hàng nhỏ lẻ, tình trạng này khó tạo sự chuyển biến” - ông Dũng nói.

Theo ông Khuê, thời gian qua, song song với việc kiểm tra, giám sát cơ sở bán hàng trực tiếp như chợ Bến Thành, Saigon Square..., lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ những kênh TMĐT, mạng xã hội. Qua đó, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa, giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đây là chiếc điện thoại được bên bán quảng cáo là bản nâng cấp từ 2G lên 4G nên giá rẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN