Mua biệt thự nhờ nghề "mổ" ô tô
Thôn Thuyền (xã Dĩnh Trì, tỉnh Bắc Giang) trước đây là vùng quê nghèo nhất tổng, nhất xã. Thế nhưng khoảng mươi năm nay đã được “lột xác” với các căn biệt thự sang trọng và cả trăm người nông dân biết lái ô tô nhờ nghề “mổ” ô tô.
Mang tiền đi “đấu” khắp nơi
Người dân trong tỉnh vẫn quen gọi thôn Thuyền là “thôn mổ ô tô”, nghĩa là chuyên đi thu mua những chiếc ô tô, tàu thủy, máy ủi, cần cẩu, máy xúc… đã bị hỏng, cũ nát về đập ra lấy phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được rồi bán cho các cơ sở trong nước. Những thứ không dùng được đem bán cho đồng nát làm sản phẩm tái chế.
Hỏi đường đến thôn Thuyền không khó bởi ngôi làng nhỏ án ngữ ven thành phố Bắc Giang này nổi bật giữa cánh đồng với hàng chục ngôi biệt thự sang trọng nằm liền kề nhau. Ấn tượng hơn là những nơi tập kết ô tô ngổn ngang như bãi chiến trường toàn sắt, thép, săm lốp và phụ tùng các loại.
Bước chân đến đầu thôn chúng tôi đã thấy hàng nghìn chiếc ô tô đã đến tuổi “nghỉ hưu”, với đủ các thương hiệu như Camry, Hyundai, Mercedes, Toyota, Honda, Mazda và các loại tàu thủy, máy xúc, máy ủi… Mỗi chiếc ô tô như vậy có giá từ 2 - 400 triệu đồng tùy tình trạng.
Thôn Thuyền trước đây thuộc huyện Lạng Giang, từ năm 2010 được gắn thêm cái mác “thành phố” bởi sáp nhập vào thành phố Bắc Giang. Ở đây như một công trường lớn ngổn ngang với hàng nghìn chiếc xe ô tô “quá đát” chờ làm thịt.
Trưởng thôn Thuyền, Nguyễn Khắc Nhuận hào hứng kể về lịch sử hơn 20 năm của làng nghề: “Làng Thuyền trước nghèo xơ xác, chủ yếu làm nông nghiệp, năm nào cũng bị mất mùa vì ngập lụt. Thế mới có biệt hiệu là làng “đồng tõm”, người dân lam lũ cả năm mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc nên cứ hết mùa vụ là mọi người rủ nhau đi buôn đồng nát để kiếm tiền mua gạo.
Lúc đó chưa có xe máy chúng tôi phải đi xe đạp xuống tận Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, ngược lên Lạng Sơn, Thái Nguyên, có khi sang cả Trung Quốc để thu mua phế liệu. May mà gần chục năm nay cái nghề tưởng chừng như ở đáy của xã hội này bỗng dưng lại gặp thời, nhiều gia đình phất lên nhanh chóng”.
Đặc biệt, từ năm 2000 trở lại đây, dân làng Thuyền không còn phải kẽo kẹt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ đi về các tỉnh mua phế liệu mà thành lập hẳn công ty riêng của gia đình, thuê nhân công làm việc. Nhiều công ty ký kết những hợp đồng kinh tế trị giá vài chục tỷ đồng.
Quá nửa số hộ dân trong làng đã xây nhà cao tầng, nhiều hộ sắm ô tô. Ông trưởng thôn còn khoe đã 10 năm nay thôn Thuyền không còn hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm 80%, có thể gọi là “thôn tỷ phú”.
Thôn Thuyền có hơn 300 hộ dân, trong số đó gần 100 hộ làm nghề mổ ô tô. Đặc biệt thôn có tới 15 công ty tư nhân chuyên làm nghề này, giải quyết việc làm cho gần 400 công nhân. Các giám đốc công ty vốn là những nông dân chân lấm tay bùn và từng kinh qua nghề buôn đồng nát.
Vậy mà những ông chủ mổ ô tô của làng giờ đây đường hoàng ngồi trên những chiếc ô tô sang trọng đến khắp nơi đấu giá thanh lý tài sản ô tô cũ nát.
Anh Nguyễn Khắc Cường, giám đốc một doanh nghiệp mổ ô tô ở đây, cho biết: “Để đấu giá thành công một “vụ” cũng không đơn giản. Ngoài có tiền cũng cần có “nghệ thuật” nhanh chân, nhanh tay và cả quan hệ xã giao để nắm bắt thông tin mới có thể “đánh” thắng.
Như 2 năm trước tại kho Đầm tỉnh Hải Dương thanh lý một lô hàng ô tô cũ rất lớn với tổng trị giá gần 100 tỷ đồng. Nhận thấy lợi nhuận cao nên mấy hộ trong thôn Thuyền đã liên kết chung vốn để đấu thầu.
Lần đó cánh đấu từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng đều nể chúng tôi. Bây giờ chỉ cần nghe ở đâu có máy móc, xe cũ cần thanh lý, các đại gia làng Thuyền sẵn sàng tìm đến mua ngay”.
Anh Nguyễn Khắc Toán đang phân loại các phụ tùng ô tô cũ
Gian nan nghề “mổ”
Nhờ có nghề mổ ô tô làng Thuyền không ai thất nghiệp, nhiều thanh niên học xong phổ thông đã kế nghiệp gia đình hoặc đi làm thuê cho các xưởng phá máy, thu nhập trung bình của một công nhân phá máy từ 3-4 triệu đồng/tháng, phụ nữ dù chân yếu tay mềm nhưng mỗi tháng cũng kiếm được đôi ba triệu đồng. Tuy nhiên theo lời kể của những công nhân tại đây thì nghề mổ cũng rất nhọc nhằn.
Toàn thân vẫn còn lấm lem dầu mỡ, anh Nguyễn Khắc Toán, 23 tuổi, công nhân tại đây nói: "Sau khi tốt nghiệp khoa hàn xì tại một trường trung cấp kỹ thuật em xin về đây làm việc trong xưởng của chú ruột.
Công việc khá gian lao bởi lúc nào quần áo, chân tay cũng đen như hòn than, môi trường làm việc lại khá độc hại, bị sứt mẻ chân tay là chuyện thường. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè ai nhìn thấy cũng muốn tránh xa.
Hơn nữa trong các máy móc cũ thường sót lại một lượng dầu máy hay mỡ bên trong, khi đưa cần hàn vào cắt lốc máy, chân máy, dầu mỡ ấy cháy, xộc thẳng vào mặt, hay các thiết bị có sơn phủ hoặc nhựa cũng bị cháy gây ra cảm giác rất khó chịu. Người mới làm thường buồn nôn, chóng mặt nhưng làm mãi cũng thành quen. Biết độc hại là thế nhưng công lao động cao, được chủ lo ăn và có việc đều, mỗi tháng kiếm được vài triệu nên ai cũng muốn bám trụ".
Để phá một chiếc ô tô cần rất nhiều công cụ trợ lực, như máy cắt, búa, máy khoan, khí gas và oxy… Trung bình mỗi tháng với 5 người có thể phá được từ 7-10 chiếc ô tô. Khi mổ xong thợ phân loại sản phẩm theo từng phụ tùng, cái nào còn dùng được để bán riêng với giá cao hơn (khoảng 15.000 đồng/kg) còn lại những đồ hỏng hóc đem bán đồng nát (9.000 đồng/kg).
Dù kinh tế thôn Thuyền khá mạnh nhưng điều mà trưởng thôn Nguyễn Khắc Nhuận vẫn còn trăn trở là làm sao để môi trường sống ở đây được cải thiện, bởi người dân vẫn hàng ngày phải chịu đựng những mùi khét lẹt từ việc đốt các loại phế liệu.
Về lâu dài cần phải có quy hoạch bến bãi cụ thể để làm hàng chứ không thể để các hộ dân bầy biện đủ mọi thứ ra đường làng như hiện nay…