Mũ bảo hiểm dỏm “sống” lại

Nhiều ý kiến đề nghị cần quyết liệt đưa mũ bảo hiểm vào diện sản xuất, kinh doanh có điều kiện và giao về địa phương quản lý.

Tại hội thảo “Mũ bảo hiểm (MBH) an toàn cho người tiêu dùng” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, Công ty Vina CHG tổ chức ngày 27-8, nhiều ý kiến cho rằng sau khi bỏ quy định xử phạt người đội MBH kém chất lượng thì MBH dỏm lại tràn lan.

Vi phạm tinh vi hơn

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết từ tháng 3 đến ngày 16-8, QLTT TP HCM đã kiểm tra và xử lý 284 vụ, tịch thu 12.516 MBH hoàn chỉnh dỏm, 3.793 MBH bán thành phẩm, trên 39.000 phụ liệu các loại và 1.511 kg nguyên phụ liệu... “Kiểm tra cho thấy thủ đoạn của các đối tượng sản xuất MBH dỏm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Điều đáng nói là ngay cả các cơ sở sản xuất có đăng ký và công bố hợp quy cũng sản xuất MBH giả, kém chất lượng và không công bố hợp quy. Thủ đoạn của họ là chỉ công bố hợp quy một vài mẫu sản phẩm, sau đó sử dụng tem hợp quy của sản phẩm này dán lên các sản phẩm khác chưa được công bố hợp quy và đưa ra thị trường tiêu thụ”- ông Nguyễn Văn Bách nói.

Mũ bảo hiểm dỏm “sống” lại - 1

Một cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dỏm bị cơ quan chức năng buộc tự tiêu hủy

Ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), cũng cho biết hiện nhiều loại MBH dỏm rất khó phân biệt nếu chỉ quan sát bề ngoài vì chữ in trên sản phẩm “siêu nhỏ”, mắt thường không thể đọc được. Đại diện Công ty Á Châu (Asia) bức xúc: “Từ khi có quyết định không xử phạt người đội MBH dỏm tham gia giao thông thì tình trạng sản xuất, kinh doanh MBH dỏm, kém chất lượng bùng nổ trở lại và sôi động hơn trước rất nhiều. Asia đã cố gắng hạ giá thành tối đa (giá bán chỉ còn 120.000 đồng/cái) để người tiêu dùng có thể tiếp cận được MBH chất lượng nhưng MBH dỏm có giá chỉ vài chục ngàn đồng nên vẫn rất khó cạnh tranh”.

Nhiều sơ hở trong quản lý

Các ý kiến cũng tập trung mổ xẻ nguyên nhân khó kiểm soát chất lượng MBH. Theo ông Nguyễn Văn Bách, chính việc cho phép nhà sản xuất được phép tự in tem CR sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy là một sơ hở để các đối tượng lợi dụng in tem CR giả lưu hành trên thị trường. “Thời gian tới, Chính phủ nên quy định tem CR phải do cơ quan quản lý về chất lượng phát hành và quản lý” - ông Bách đề xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tý, đại diện Công ty Nón Sơn, kiến nghị nhà nước cần thống nhất quản lý việc sản xuất, kinh doanh MBH. Theo đó cần đưa xuống từng địa phương quản lý, bởi địa phương là nơi nắm rõ nhất các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình. Ông Khương Kim Tạo, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng cơ quan chức năng cần ban hành quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đội MBH nhưng không phải MBH (mũ có kiểu dáng giống MBH, mũ thể thao, mũ giả MBH) khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Đồng thời đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có ngay quy định màu sắc, quy cách in bắt buộc và độc quyền của MBH để lực lượng chức năng dễ nhận diện.

Thạc sĩ Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, kiến nghị nhà nước nên dứt khoát đưa MBH vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện; không chấp nhận người tiêu dùng sử dụng MBH thời trang khi đi mô tô, xe máy. Có như vậy mới mong tình trạng sản xuất MBH dỏm sẽ giảm dần.

Cần áp dụng một mẫu tem chung

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, đưa ra giải pháp hỗ trợ kiểm soát MBH bằng tem CR tích hợp với công nghệ chống giả ứng với mã số mã vạch và tin nhắn (SMS). Cụ thể là áp dụng một mẫu tem chung và thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất MBH, trong đó gồm dấu hợp quy CR, mã vạch CR khi quét vào sẽ hiển thị mã vạch doanh nghiệp hoặc thông tin doanh nghiệp…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN