Một quả trứng, 5 lần đóng phí: Thiệt hại kép!

Ngành chăn nuôi đang khó khăn, nếu người dân, doanh nghiệp phải cõng thêm các loại phí thì rõ ràng đây là thiệt hại kép.

“Ngành chăn nuôi đang khó khăn, nếu người dân, doanh nghiệp phải cõng thêm các loại phí thì rõ ràng đây là thiệt hại kép. Vì vậy, cần giảm bớt gánh nặng chi phí theo hướng vừa đảm bảo có được sản phẩm an toàn vừa không làm cho phí đè nặng lên người chăn nuôi”- ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nói như vậy với phóng viên xung quanh câu chuyện “một quả trứng, năm lần đóng phí”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Việc các doanh nghiệp chăn nuôi, các chủ trang trại phản ứng đối với việc thu phí sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm nhiều loại, nhiều lần đã xuất hiện từ năm 2004.

Thế nhưng thời điểm đó, việc thu phí chưa thực sự điển hình, hơn nữa người chăn nuôi cũng đang có lãi, nên dễ xí xoá.

Tuy nhiên hiện nay, khi chúng tôi đi xuống các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở kinh doanh trứng để tìm hiểu, bàn các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi thì họ kêu trời vì các loại phí, trong đó đặc biệt là phí kiểm dịch trứng gia cầm...

Một quả trứng, 5 lần đóng phí: Thiệt hại kép! - 1

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Kiểm dịch nhiều lần là không cần thiết

Tại sao thời gian này, doanh nghiệp, trang trại, cơ sở kinh doanh trứng lại phản ứng mạnh về các khoản phí đối với sản phẩm gia cầm, trong đó có trứng, thưa ông?

- Hiện nay, ngành chăn nuôi đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Hàng loạt người chăn nuôi đã phải “treo” chuồng, sản xuất của doanh nghiệp đình đốn, sản phẩm không tiêu thụ được.

Đã gặp khó như vậy, người chăn nuôi lại phải đóng phí, làm tăng giá thành sản phẩm; lỗ càng thêm lỗ, khó càng thêm khó. Chính điều đó đã khiến người chăn nuôi phải lên tiếng.

Qua điều tra của PV, người chăn nuôi hiện không chỉ đóng 5 loại phí cho mỗi quả trứng mà còn hàng loạt các loại phí khác cho sản phẩm chăn nuôi. Ông đánh giá thế nào tình trạng lạm thu phí trong bối cảnh hiện nay?

- Tôi nghĩ tình trạng lạm thu phí này không phải là phổ biến mà chỉ xảy ra một vài địa phương. Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát, đánh giá tình hình xem có thực sự đây là tình trạng phổ biến hay không để có hướng xử lý kịp thời.

Việc lạm dụng thu phí cần phải chấn chỉnh ngay và tôi tin dư luận sẽ đồng tình. Tôi cho rằng, thu nhiều loại phí, nhiều lần đương nhiên giá thành quả trứng sẽ đội lên. Giá thành sản xuất hiện nay khoảng từ 1.300 - 1.400 đồng/quả tùy theo quy mô, trong khi bán ra thị trường cũng chỉ ở mức giá đó, thậm chí có thời điểm chỉ 900 đồng/quả.

Như vậy, rõ ràng, tính chi phí đầu ra, đầu vào thì người chăn nuôi đang bị lỗ trong khi lại phải “cõng” thêm nhiều phí, người chăn nuôi càng khó khăn, khốn đốn hơn.

Chúng tôi chưa tính nếu lạm thu phí như vậy sẽ làm đội giá thành quả trứng lên bao nhiêu nhưng về nguyên tắc việc thu phí như vậy là không đúng. Theo quy định của Bộ NNPTNT thì chỉ thu phí 1 lần. Nếu vận chuyển ra các tỉnh thì chỉ cần đổi giấy kiểm dịch. Việc kiểm dịch lại các sản phẩm đó là không cần thiết.

Lo ngại địa phương áp dụng sai

Theo ông, có cần thiết phải kiểm dịch quá nhiều lần, thu nhiều loại phí đối với một quả trứng hay không? Người dân bức xúc là gia cầm được công nhận là sạch nhưng vì sao vẫn phải kiểm dịch trứng?

- Thực ra việc kiểm dịch là hết sức cần thiết, quan trọng bởi kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Tài chính, mức phí thu trứng gia cầm giống là 5,5 đồng/quả, trứng thương phẩm là 4,5 đồng/quả…

“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Thú y, các địa phương để xem xét nếu thấy có bất cập thì sẽ tham mưu Bộ, Chính phủ có điều chỉnh phù hợp việc thu các loại phí”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn

Ngoài ra còn thêm lệ phí cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật trong nước là 30.000 đồng. Như vậy chỉ có 2 loại là phí kiểm dịch và phí cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật. Quy định như thế là hợp lý, chỉ sợ ở địa phương họ áp dụng sai thôi.

Còn riêng vì sao vẫn kiểm dịch cả con gà và quả trứng vì đó là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Dù là con gà sạch, nhưng quả trứng là sản phẩm tách biệt nên vẫn cần thiết phải kiểm dịch. Tuy nhiên, như tôi nói, việc thu phí quả trứng chỉ cần một lần là đủ.

Có ý kiến cho rằng, kiểm dịch nhiều lần sẽ cho sản phẩm tốt hơn?

- Tôi không nghĩ như vậy. Về mặt chuyên môn khi kiểm dịch 1 lần tốt rồi thì giấy kiểm dịch có giá trị pháp lý trên toàn quốc. Không phải cứ nhiều lần là tốt vì thực tế hiện nay kiểm dịch chủ yếu là nhìn bằng mắt chứ không lấy mẫu để phân tích, đánh giá. Trong trường hợp nghi ngờ thì cơ quan thú y mới lấy mẫu.

Sau khi có thông tin phản ánh từ cơ sở về tình trạng thu nhiều loại phí, thu nhiều lần phí, Cục Chăn nuôi có đi kiểm tra thực tế tình hình?

Giảm bớt chi phí thủ tục

PGS - TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Điều chỉnh càng sớm càng tốt!

Việc kiểm dịch trên sản phẩm thực phẩm trong tình hình dịch bệnh tràn lan như hiện nay là điều cần thiết. Hơn nữa, sản phẩm trứng gia cầm chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện kiểm dịch một lần là đủ. Bộ NNPTNT cùng cơ quan thú y cần phải điều chỉnh ngay việc kiểm dịch chồng chất trên sản phẩm trứng càng sớm càng tốt. Bởi trước tình hình sản xuất khó khăn, sức mua giảm mạnh, nếu không kịp thời loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, ngành chăn nuôi sẽ càng lún sâu vào khủng hoảng. Cuối cùng, người chịu thiệt là nông dân và người tiêu dùng.

Thuận Hải (ghi)

- Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước về chăn nuôi chứ không quản lý về thú y. Những khó khăn đang cản trở ngành chăn nuôi, Cục có trách nhiệm tham mưu với Bộ và Chính phủ để tháo gỡ, kể cả khó khăn về thủ tục hành chính, thị trường…

Vì thế, việc doanh nghiệp, người chăn nuôi bức xúc vì tình trạng lạm thu phí là những khó khăn về thủ tục hành chính mà chúng tôi phải nghiêm túc xem xét lại. Bất cứ những văn bản quy phạm pháp luật nào cũng chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, khi đi vào thực tiễn đời sống sẽ có những bất cập, vì thế phải điều chỉnh. Đó là chưa kể quá trình thực thi sẽ nảy sinh những tiêu cực.

Trong Thông tư 04 của Bộ Tài chính quy định hàng loạt phí như giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển; giấy chứng nhận vệ sinh thú y đối với nơi tập trung động vật, sản phẩm động vật để bốc xếp; giấy chứng nhận vệ sinh thú y... Việc quy định một loạt phí như vậy dẫn đến có sự chồng chéo, thưa ông?

- Tôi nghĩ phải rà soát lại thông tư này.

Ông cho rằng, cần phải điều chỉnh việc thu phí vì nó đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông hướng điều chỉnh nên như thế nào?

- Văn bản quy định là vậy nhưng trong quá trình thực thi có điều gì bất cập mà các cơ sở phản ánh thì chúng ta phải điều tra, xem xét. Theo tôi hướng điều chỉnh là phải giảm bớt gánh nặng chi phí thủ tục hành chính theo hướng vừa đảm bảo có được sản phẩm an toàn vừa không làm cho phí đè nặng lên người chăn nuôi.

Có thể giảm bớt công đoạn kiểm dịch hoặc cũng có thể xem xét việc con giống đã được chứng nhận an toàn rồi thì có cần phải tiếp tục kiểm dịch quả trứng mà con gà đó đẻ ra khi xuất ra thị trường hay không?

Cục Thú y có công văn chỉ đạo Sở NNPTNT, Chi cục Thú y các tỉnh rà soát lại tình hình thu phí kiểm dịch nhưng thực tế có doanh nghiệp ngại lên tiếng vì sợ có thể bị ngành chức năng “soi”. Theo ông, liệu có được một cuộc rà soát chính xác tình hình thu phí, lạm thu phí đối với sản phẩm gia cầm để đánh giá đúng tình hình và điều chỉnh kịp thời những bất cập?

- Kênh chính thống vẫn phải là cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên muốn có thông tin chính xác, đầy đủ, toàn diện, chúng ta còn nhiều kênh thông tin khác như: Báo chí, người sản xuất, người tiêu dùng…

Xin cảm ơn ông!

Kiểm tra 1 lần là đủ

Theo dõi thông tin trên báo, tôi thấy quy trình kiểm dịch đối với quả trứng quá rườm rà. Nhìn qua tưởng an toàn nhưng thực chất không kiểm soát được dịch bệnh, dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện tràn lan. Vấn đề ở đây là quản lý từ gốc, tức ngay từ nơi sản xuất, nếu trứng đạt chất lượng thì cấp chứng nhận 1 lần là đủ. Chính kiểm dịch nhiều lần làm chi phí đội lên nên nhiều người sẽ có tâm lý né các trạm kiểm dịch, thành ra khó kiểm soát dịch bệnh. Với cách kiểm dịch như báo phản ánh, mỗi ngày cả nước tiêu thụ hàng triệu quả trứng thì tốn kém sẽ rất lớn, và chi phí này người chăn nuôi và người tiêu dùng phải chia nhau gánh là hết sức vô lý.

GS- TS Võ Tòng Xuân

Nhiều người chịu thiệt

Bây giờ đang là giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân phải loay hoay với bài toán kinh tế, cùng lúc họ phải gánh chịu nhiều khoản phí, thuế... Có một nghịch lý, giá trứng, thịt gia cầm rớt thê thảm, nông dân “lỗ xuôi lỗ ngược”, nhưng người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi. Người cuối cùng phải “gánh” các loại phí này không ai khác chính là người tiêu dùng.

Lê Quang Tiệp (Hội Chữ thập đỏ xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam)

Tính lại phí kiểm dịch

Đã lỗ vì chăn nuôi, mỗi quả trứng, con gà, con vịt hiện đang phải cõng 5 lần phí kiểm dịch. Bán một quả trứng gà, người chăn nuôi chúng tôi cũng chỉ thu về được 1.500 đồng. 5 lần phí kiểm dịch, tổng cộng phí kiểm dịch cho mỗi quả trứng đã trên 200 đồng. Đó là một bất cập, không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng đâu lại vào đấy. Theo tôi, giá kiểm dịch nên tính toán lại một cách cụ thể và phù hợp hơn.

Hiếu Dân (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre)

Phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Cục Thú y vừa chỉ đạo các Chi cục Thú y chỉ thực hiện việc kiểm dịch trứng gia cầm và thu phí kiểm dịch 1 lần tại nơi xuất phát. Chúng tôi rất phấn khởi trước thông tin đó. Một quả trứng phải qua 5 lần kiểm dịch nhưng nói thật, mỗi lần kiểm dịch chỉ đơn giản là đem xe trứng tới cho cán bộ thú y kiểm trứng để... tính tiền. Quan trọng nhất là kiểm tra và giám sát chặt chẽ để quy định được thực thi trên thực tế. Có như thế người nông dân mới đứng vững trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Phan Thị Lương (xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Hoài - Hữu Thông (Dân Việt
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN