Một năm tôm được thời, cá tra gặp khó
Năm 2013, tôm nuôi nước lợ và cá tra tiếp tục đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hàng thủy sản. Nếu như con tôm được đánh giá là thắng lợi thì cá tra vẫn đầy khó khăn, và cả hai vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn.
Tôm gặp thời và nguy cơ
Ông Ngô Văn Kim ở ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang, Trà Vinh) chuyển hơn 0,4 ha nuôi tôm sú sang tôm chân trắng, sau gần 3 tháng, thu lãi 330 triệu đồng. “Phấn khởi quá, sau nhiều năm nuôi tôm sú phập phù khi trúng lúc thì thất bát và còn bị dịch bệnh hoành hành, năm nay nuôi tôm chân trắng đỡ quá. Mà tôm chân trắng một năm nuôi được 3 vụ”, ông Kim nói.
Năm 2013, cả nước nuôi 66.000 ha tôm chân trắng, sản lượng 280.000 tấn, còn tôm sú 600.000 ha với sản lượng 268.000 tấn. Lần đầu tiên, sản lượng tôm chân trắng vượt tôm sú. Xuất khẩu tôm cả năm đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so với năm 2012. Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Tôm thẻ chân trắng đã góp phần tạo nên sự thay đổi ấn tượng bằng việc kịp thời chớp cơ hội, bù đắp vào sản lượng sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh”.
Các nước nuôi tôm diện tích lớn như Thái Lan, Trung Quốc vẫn bị dịch bệnh hoành hành nên giảm sản lượng, tạo điều kiện cho tôm Việt Nam xuất khẩu có giá. Tuy nhiên, Cà Mau là vựa tôm của cả nước (diện tích, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đều chiếm gần 50% cả nước), Tổng thư ký Hội Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Lý Văn Thuận tỉnh Cà Mau cho biết: “Sản lượng tôm tại chỗ chỉ đủ cung cấp cho 4 nhà máy lớn, trong lúc Cà Mau có 33 nhà máy lớn nhỏ chế biến tôm”. Do đó, trong kim ngạch xuất khẩu, có tỷ lệ lớn tôm nguyên liệu nhập khẩu.
Căng biểu ngữ đòi nợ cá tra với Sohafood ngày 24/12. Ảnh: Sáu Nghệ
Phát triển tôm chân trắng còn nhiều nguy cơ khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống TS Nguyễn Văn Hảo |
Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, năm 2013, nước ta phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ 270.000 tấn, Ecuador 230.000 tấn.
Lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu bằng 91,2% lượng tôm nuôi trong nước, nên lợi nhuận do xuất khẩu tôm được giá, không hoàn toàn đem về cho người nuôi của Việt Nam.
Bên cạnh, giống tôm chân trắng chủ yếu phải nhập khẩu. Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra, năm 2011, phát hiện tôm chân trắng bố mẹ nhập từ Indonesia nhiễm bệnh, thì năm 2013 lại phát hiện tương tự từ Thái Lan.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nhấn mạnh: “Phát triển tôm chân trắng còn nhiều nguy cơ khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống”. Trong lúc, diện tích nuôi tôm chân trắng có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát. Tổng cục Thủy sản đặt chỉ tiêu cho năm 2014, diện tích nuôi tôm chân trắng bằng 75,8% năm 2013, nhưng ở tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch thả tôm chân trắng gấp hai lần năm 2013.
Cá tra gây nợ
Ngày 30/12/2013, Công an TP Cần Thơ làm việc với lãnh đạo Cty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), thu thập tài liệu kế toán để điều tra dấu hiệu tham ô. Trong lúc, hàng chục người nuôi cá tra vẫn phải căng băng rôn đòi nợ.
Thông tin mới nhất Tiền Phong có được, Sohafood đang nợ tiền cá của dân hơn 47 tỷ đồng, chưa kể số nợ hơn 8,7 tỷ đồng do nghi vấn khác nên giữ lại và còn nhiều tỷ đồng các chủ nợ chưa đến đối chiếu.
Nợ người nuôi cá dây dưa vì nhiều năm nay Sohafood kinh doanh bằng cách chiếm dụng vốn của người nuôi cá, trong lúc làm ăn lỗ mà báo cáo lãi, lỗ đến nay đã hơn 70 tỷ đồng. Sohafood cũng chỉ là điển hình của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, giá cá tra xuất khẩu giảm liên tục, “sản xuất cá tra đã bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết căn bản”. Năm 2013, ước diện tích nuôi 5.200 ha, sản lượng 1,15 triệu tấn; giảm so với năm 2012 theo thứ tự là 17,5% và 7,6%.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, nhận xét ngành cá tra cứ luẩn quẩn trong vòng “đổ lỗi cho nhau”. Thay vì liên kết thì người nuôi, doanh nghiệp chế biến và ngân hàng ngày càng rời rạc. Theo ông Dũng, từ năm 2010, tính khép kín nội bộ gia tăng, từng bộ phận lo lợi ích cục bộ.
Ngành cá tra muốn phục hồi, theo ông Dũng, cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch toàn ngành. Trước hết là thông tin về quy hoạch, kế hoạch. Tổng cục Thủy sản cũng đặt ra nhiệm vụ “trọng tâm” năm 2014 là “rà soát quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng thuỷ sản”.
Năm 2012, Tổng cục Thủy sản từng đặt ra chỉ tiêu: “100% cơ sở nuôi cá tra được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc”. Hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An nuôi cá tra đã 11 năm ở Cần Thơ, vẫn hỏi: “Đã ai quy hoạch vùng nuôi cá tra chưa?”.