Một năm chưa từng có của thị trường xăng dầu, có lặp lại vào năm 2023?
Năm 2022, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh lịch sử, trong khi nguồn cung gián đoạn ở nhiều thời điểm. Lịch sử này có lặp lại vào năm 2023?
Giá tăng cao, cấp tập giảm thuế xăng dầu
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục tăng giá. Đầu năm 2022, giá xăng E5 RON 92 là 23.150 đồng/lít thì đã có thời điểm tăng lên 31.300 đồng/lít (21/6/2022). Giá xăng RON 95 đầu 2022 là 23.870 đồng/lít, thì đến 21/6/2022 đã tăng lên 32.870 đồng/lít.
Điều này đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải, thủy sản...) cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết để giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022.
Loạt chi phí tăng cao, khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ nặng, gây nên việc gián đoạn nguồn cung ở phía Nam... là vấn đề nóng năm qua
Với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa, áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022.
Tiếp đó, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 được thông qua ngày 6/7/2022 quy định giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Biểu khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể: xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong Biểu khung thuế.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh giảm 2 kỳ liên tiếp so với kỳ điều hành liền trước. Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022.
Còn khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, giá xăng dầu trong nước đã có nhiều kỳ giảm liên tiếp, trong đó ngay tại kỳ điều hành ngày 11/7/2022 khi Nghị quyết 20 có hiệu lực thì giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu.
Đánh giá thị trường xăng dầu năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Năm 2022 chứng kiến diễn biến giá xăng dầu hết sức phức tạp. Giá xăng dầu tăng nhanh khi nền kinh tế thế giới phục hồi, cộng với xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina đã khiến nguồn cung khan hiếm, tác động ngay đến Việt Nam. Giá xăng dầu năm 2022 phải điều chỉnh với mức tăng bình quân 28% so với năm trước.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, nếu so với mức tăng của thế giới, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều quốc gia. Cụ thể, giá dầu brent bình quân của năm 2022 là tăng 40% so với năm 2021. Lý do là thời gian qua chúng ta đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu và giảm thuế phí với xăng dầu.
“Việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu đã góp phần kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế”, bà Nguyễn Thu Oanh đánh giá.
Nguồn cung gián đoạn
Bên cạnh yếu tố giá cả tăng cao, từ cuối năm 2021, tình hình cung ứng xăng dầu đã bắt đầu có dấu hiệu bị gián đoạn. Nhưng ngay khi bước sang năm 2022, thị trường xăng dầu thực sự “ngấm đòn” về nguồn cung.
Năm 2022 là năm đầu tiên bắt đầu giảm chu kỳ điều hành giá xăng từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm âm lịch 2022 lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Do đó, kỳ điều hành giá ngày 1/2/2022 được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo là ngày 11/2/2022.
Ngay sau khi lùi thời điểm tăng giá xăng dầu, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi tăng giá vào kỳ điều hành ngày 11/2/2022, nguồn cung vẫn chưa trở lại bình thường.
Nguyên nhân lúc đó được chỉ ra một phần do thiếu hụt xăng dầu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Nhà máy này phải giảm công suất các tổ máy nên không đủ để cung ứng xăng dầu cho thị trường. Lý do là Lọc dầu Nghi Sơn gặp những khó khăn về tài chính.
Từng dòng người phải xếp hàng, đợi cả tiếng đồng hồ mới mua được một lượng xăng dầu giới hạn, khiến không ít người bức xúc. Những rủi ro này vẫn còn hiện hữu trong năm tới, nếu những bất cập không được giải quyết
Sau giai đoạn này, đến giữa năm việc cung ứng xăng dầu vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Tại thị trường phía Nam, miền Tây, nguồn cung xăng dầu được đánh giá là cực kỳ căng thẳng.
Hình ảnh các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, bán cầm chừng, người dân ùn ùn xếp hàng dài ở các cây xăng… đã tạo ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Tình hình này càng về sau càng nghiêm trọng khi lan ra cả Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.
Nhiều cây xăng không chịu nổi thua lỗ đã phải tạm đóng cửa. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu không theo kịp thực tế khiến doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn… Trong khi đó, hai Bộ Công thương – Tài chính thường xuyên có những tranh cãi về lý do nguồn cung đứt đoạn.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khi nhìn lại vấn đề xăng dầu năm 2022 cũng đánh giá rằng việc hai bộ có những vấn đề không thống nhất trong quản lý xăng dầu là khó chấp nhận.
Điểm lại tình hình xăng dầu năm 2022, báo cáo của Bộ Công thương cho rằng: Năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.
Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Như là, chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường (đối với các thương nhân sản xuất).
Bộ này cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Nhìn lại câu chuyện xăng dầu của năm 2022, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: Thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng, xăng dầu…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới đã gây ảnh hưởng đến sức mua của toàn thị trường. Thị trường xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu ảnh hưởng lớn từ biến động giá cả xăng dầu thế giới trong việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường.
Vói các giải pháp được triển khai, đến hết 2022, thị trường xăng dầu đã không còn lâm cảnh thiếu hụt. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn hiện hữu trong năm tới.
Đến hết 2022, cùng với sự hạ nhiệt của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh về mức 20.700 đồng/lít xăng RON 95 và 19.970 đồng/lít xăng E5 RON 92. Nhưng, nhìn diễn biến xăng dầu thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn dự báo của Bloomberg và cho rằng: Giá xăng dầu thời gian qua giảm khá sâu, nhưng sắp tới khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến giá cả mặt hàng này tăng khoảng 20%, theo tính toán của Bloomberg.
Vì vậy, định hướng cho năm 2023, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau hàng loạt phiên giảm, giá xăng dầu trong nước đã tăng trở lại.