"Mót" cói giữa trưa nắng nóng kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày
Tận dụng diện tích cói ở những đám ruộng bị bỏ hoang sau khi thu hồi, chuyển đổi mục đích nhưng chưa sử dụng, người dân xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) ra đồng ‘mót’ cói. Công việc vất vả nhưng bù lại có thể kiếm 500-700 nghìn đồng/ngày.
Những ngày này, người dân ở xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) đang vào vụ thu hoạch cói. Một năm có 3 vụ thu hoạch cói, nhộn nhịp nhất là quãng tháng 6, 7. Đây là thời điểm vào chính vụ thu hoạch của bà con Hưng Hòa.
Cây cói được chặt khỏi gốc bằng một chiếc dao rựa sắc lẹm, sau đó giũ mạnh để loại sạch cỏ rác và tách những lớp cói ngắn ra để riêng.
Rũ cói
Bà Trần Thị Hương (45 tuổi, xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa) cho biết, mỗi ngày bà thu hoạch được khoảng 60kg cói thành phẩm, nếu thời tiết thuận lợi thì có thể hơn. Giá cói thời điểm hiện tại 90.000 đồng/10kg, tính ra mỗi ngày bà kiếm được hơn 500.000 đồng.
“Cây cói dễ sống, không cần nhiều công chăm sóc và cho thu hoạch hàng năm trong thời gian dài mà không phải trồng lại mới. Công việc này không mất chi phí đầu tư, chỉ mất sức thôi nhưng phải chịu khó. Cói thành phẩm phải đảm bảo đủ khô nhưng sợi cói không bị giòn, màu sắc tươi sáng”, bà Hương nói.
Cói được chẻ bằng máy, năng suất hơn và chẻ đều, đẹp hơn. Công đoạn này cần phải có 2 người và phải được thực hiện khi cây cói còn tươi. Bởi nếu để cói héo sẽ rất khó chẻ.
Cói sau khi được chẻ, sẽ đem phơi ít nhất 2 nắng ngoài ruộng để cho nhẹ và mềm sợi. Sau đó, cói được cột thành từng bó để đưa về nhà để tiếp tục phân loại, phơi khô một lần nữa trước khi nhập cho thương lái.
Ông Dương Xuân Khoa (60 tuổi, xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa) cho biết, diện tích trồng cói ngày càng bị thu hẹp do nghề làm chiếu cói không còn thịnh hành như trước. Phần lớn diện tích trồng cói cũng đã được quy hoạch, chuyển đổi sang mục đích khác. “Nghề trồng cói và dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình tôi. Trước đây gia đình có 6ha diện tích trồng cói. Nay quy hoạch làm dự án nên chỉ còn khoảng 1,5ha. Cây cói đã phần nào giúp cải thiện cuộc sống, trở thành nguồn thu nhập chính đối với gia đình chúng tôi”, ông Khoa chia sẻ.
Theo ông Khoa, cây cói đạt chuẩn để sử dụng dệt chiếu là những cây cao, khỏe, cứng cáp, đặc biệt là có màu sắc đẹp. Cói sau khi thu hoạch chủ yếu được nhập cho các thương lái ở Thanh Hóa.
Vợ chồng ông Khoa căng tấm vải mỏng tránh nắng
Thu hoạch cói khá vất vả, thường làm dưới trời nắng gắt, nhưng vì mưu sinh, người nông dân vẫn cần mẫn. Trong ảnh, người phụ nữ uống nước giải khát giữa trưa nắng.
Ông Trần Cao Cường – Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: “Trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 60 ha diện tích đất dành để trồng cói, tuy nhiên phần lớn bà con bỏ hoang. Bây giờ còn rất ít hộ trồng cói. Đây cũng là năm cuối cùng người dân ở đây được nhìn thấy những cánh đồng cói. Vì toàn bộ đất đã được thu hồi để làm dự án, dự kiến năm sau dự án sẽ được triển khai”.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi quả dứa nặng từ 1-3kg, thậm chí có quả lên tới 4kg, ruột vàng, mắt nông lại ngọt “lịm tim” khiến không ít chị em thích thú đặt mua.