Một cổ ba tròng, cá tra bế tắc
Cụm từ "nợ xấu" xuất hiện thời gian qua đã thách thức rất nhiều chuyên gia kinh tế. Chưa có một giải pháp khả thi nào được đưa vào áp dụng thì gần đây, Việt Nam càng đau đầu hơn khi một khía cạnh khác của "nợ xấu" đi vào báo động đỏ - "nợ xấu cá tra".
Nuôi cá tra, một cổ ba tròng
Số lượng doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thuỷ sản tăng vọt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường tiêu thụ được mở rộng cùng các ưu đãi mà cơ chế hội nhập mang lại, đặc biệt là cá tra. Giai đoạn 2007-2010, số lượng doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL tăng gấp đôi so với năm 2003. Bên cạnh đó, tính riêng cá tra, tổng diện tích nuôi cá năm 2011 tăng 30ha so với năm 2010, đạt 5.430 ha.
Tuy nhiên, ước mơ kiếm được bạc, vàng từ con cá tra dường như ngày càng xa vời. Trái lại, họ còn rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Đầu tiên là giá cả, chi phí đầu vào tăng vọt. Hiện chi phí thức ăn (chiếm 70% tổng chi phí nuôi cá) cho mỗi kilogram cá thu hoạch khoảng 25.000-28.000 đồng, tăng hơn 7.500 đồng so với mức giá năm 2007. Hơn thế, chất lượng thức ăn giảm đi đáng kể do quá trình DN sản xuất thức ăn chăn nuôi bớt xén. Vì lẽ đó, người dân phải bỏ ra thêm 0,15-0,3 kg thức ăn để đảm bảo chất lượng cá không thay đổi. Tính luôn các yếu tố khác như cá giống, hóa chất, thuốc và kỹ thuật chăm sóc, với mức giá tại thời điểm tháng 3/2012 thì người dân phải tốn 23.123 đồng để có một kilogram cá tra thu hoạch. Trong khi đó, giá bán cá trên thị trường đang lao dốc thê thảm. Người dân chấp nhận thua lỗ từ 5.000-7.000 đồng/kg bán ra.
Thứ hai, hiện trạng "nợ xấu cá tra" xuất hiện và gián tiếp "dìm" người nuôi cá vốn khổ càng khổ. "Giấc mơ cá tra" đã thôi thúc các doanh nghiệp không ngại vay 80% đến 100% vốn ngân hàng để đầu tư nhằm kiếm lợi. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu nói chung trong nền kinh tế hiện nay buộc các ngân hàng phải thắt chặt tín dụng, nâng cao yêu cầu cho vay, khiến các doanh nghiệp cá tra "dính đòn". Nhiều DN cá tra lâm vào cảnh nợ khó trả. Chỉ riêng tại Cần Thơ, tính đến cuối 2011, dư nợ của lĩnh vực thủy sản là 6.841 tỷ đồng; đến tháng 2/2012, số dư nợ giảm nhưng vẫn ở mức 6.283 tỷ đồng. Đã có 40% doanh nghiệp cá tra đã phá sản do thiếu vốn hoạt động, số còn lại đang cố gắng thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng.
Đau đầu vẫn là người nông dân. Cá đến lứa thu hoạch giờ không biết "bơi" về đâu? Dự báo cuối năm nay, các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch 700.000 tấn cá tra. Thay vì vui mùa bội thu, họ phải lao đao tìm nơi có khả năng "ăn" hết cá.
Và cái tròng thứ ba chính là cái khó trên thị trường xuất khẩu. Thu nhập cá tra cao nhờ xuất khẩu sang 135 thị trường. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 kéo dài, cùng với "bão" nợ công tại thị trường châu Âu khiến các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU (thị phần chiếm 47%) trở nên thận trọng và tung chiêu bài rào cản kỹ thuật. Tính pháp lý được công nhận từ chiêu trò này trở thành bài toán nan giải đối với các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Cả DN chế biến và người nuôi cá tra giờ như ngồi trên đống lửa (ảnh minh họa)
Tiến thoái lưỡng nan
Dù thời gian qua, cơ quan Nhà nước đã cảnh báo và kêu gọi các đơn vị tập trung cứu doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi và sản xuất cá tra, nhưng mọi chuyện vẫn trong vòng luẩn quẩn. Người nông dân điêu đứng trước cảnh "giữ cá không được, bán cá chẳng xong". Trước thực trạng nợ xấu, Nhà nước nghĩ tới các gói cứu trợ nhằm giúp các hộ gia đình nuôi cá tra cầm cự trong khi chờ đợi đầu ra. Tuy nhiên, khác với việc lưu trữ gạo, tiêu, điều, cà phê..., cá để quá lứa thì không bán được. Thậm chí, giá cá quá lứa dù thấp hơn bình thường 2.000-4.000 đồng/kg nhưng cũng khó bán.
Bên cạnh đó, việc giữ cá tra trong tình hình chi phí đầu vào tăng nhanh là một sự mạo hiểm "mười phần thua". Điều này càng linh nghiệm khi lãi suất cho các hộ nuôi cá tra vay đầu tư tăng chóng mặt. Nói một cách định lượng, cứ một kilogram cá tra thì người nông dân phải trả 1.880 đồng tiền lãi suất (tính đến đầu năm 2012). Trái lại, nếu chấp nhận bán cá, người nông dân gần như... mất trắng. Một phần vì thị trường nước ngoài khó xâm nhập, thị trường trong nước bế tắc đầu ra; phần khác vì các doanh nghiệp "bắt thóp" ép giá người dân, thậm chí là... quỵt nợ do làm ăn thua lỗ.
Với tình trạng hỗn độn và xô bồ hiện nay, người nuôi cá tra không chỉ trông đợi những gói cứu trợ từ... Chính phủ, mà xét về lâu dài, họ cần một lối ra. Khi cá tiêu thụ được thì đồng vốn mới xoay chuyển nhanh, cải thiện đời sống. Muốn thế, cần giải quyết yếu tố đầu vào như giảm chi phí thức ăn bằng cách liên kết với nhà máy sản xuất thức ăn... Đồng thời, nhanh chóng xử lí "nợ xấu cá tra" cũng như tăng chất lượng kỹ thuật nuôi cá. Tất cả yêu cầu một sự đồng bộ kịp thời, nhanh chóng hiệu quả trước khi "giấc mơ cá tra" thành ác mộng.