Mỗi tháng "đút túi" 35 triệu đồng nhờ trồng cây "lá lạ"

Sự kiện: Khởi nghiệp

Giữa núi đồi Tây Nguyên bạt ngàn những cây trồng chủ lực như: cà phê, tiêu, điều… thì có một mô hình trồng cây “lá lạ” với diện tích khiêm tốn. Khi vào đó bạn sẽ cảm nhận được sức sống của loài cây “không ăn được, không chế biến ra món gì được, không có màu sặc sỡ…” nhưng có thể tô điểm cho những cánh hoa khoe sắc, làm đẹp cho các loài hoa và mang lại thu nhập bình quân 35 triệu đồng mỗi tháng cho chủ vườn...

Đó là mô hình trồng cây dương xỉ lấy lá của hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng và chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Vào vườn dương xỉ trong những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất ở Tây Nguyên, cảm giác thật dễ chịu, mát mẻ, bình yên. Tiếp chúng tôi, anh chị chủ vườn đã chia sẻ những thăng trầm khi đến với loại cây này.

Sinh ra lớn lên tại Thủ đô Hà Nội, chàng trai trẻ Tiến Dũng quyết tâm vào Tây Nguyên lập nghiệp. Anh nghĩ đơn giản rằng Tây Nguyên đất đai rộng, màu mỡ, khí hậu ôn hòa chỉ cần chăm chỉ chuyên cần, ham học hỏi thì đất không phụ lòng người…

Mỗi tháng "đút túi" 35 triệu đồng nhờ trồng cây "lá lạ" - 1

Anh Nguyễn Tiến Dũng đang chia sẻ kinh nghiệm trồng dương xỉ lấy lá để bán.

Nơi dừng chân đầu tiên là Lâm Đồng. Đến năm 2008 gia đình anh Dũng từ Lâm Đồng sang huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông thuê 3 ha đất trồng cây chanh dây bởi lúc này chanh dây đang được giá. Sau khi canh tác thu hoạch chanh dây xuống giá đến quá ngưỡng kèm theo yếu tố dịch bệnh, chưa có kinh nghiệm quản lý…nên không hiệu quả.

Hơn 3 năm trồng và đầu tư vào các loại cây như chanh dây, hoa hồng… anh Dũng thua lỗ hết số vốn khởi nghiệp. Sau đó loay hoay với bao nghề nhưng cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Năm 2013 với niềm đam mê nông nghiệp anh trở về Lâm Đồng đi làm thuê, học hỏi các trang trại và tìm cây trồng cho riêng mình. Anh vẫn nung nấu ý tưởng tìm hiểu 1 loại cây nào đó để khởi nghiệp, vừa đem hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa mang cho mọi người một hướng đi mới.

Sau khi vừa làm vừa tìm hiểu thị trường, mức tiêu thụ, giá cả, cung cầu anh Dũng nhận thấy rằng ở Lâm Đồng có hàng ngàn ha trồng hoa các loại nhưng diện tích trồng cây lấy lá để tô điểm cho hoa còn khan hiếm. Anh nghĩ bất kể một bó hay lẵng hoa dù lớn hay nhỏ đều cần phải dùng đến các loại lá để trang trí, trong đó anh thấy cây dương xỉ có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ canh tác, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, không phụ thuộc vào thời gian, thu hoạch thu sớm cũng được muộn cũng không sao không gây áp lực, giá cả ổn định qua các năm…

Mỗi tháng "đút túi" 35 triệu đồng nhờ trồng cây "lá lạ" - 2

Thông qua mạng xã hội, anh Nguyễn Tiến Dũng đã tìm được đầu ra ổn định cho cây "lá lạ"- dương xỉ Pháp. Ảnh: Đặng Hiền (Báo Đắk Nông).

Từ ý tưởng đó, anh Dũng tìm hiểu diện tích trong nước, nhu cầu thị trường và quyết định liên hệ, tìm nguồn giống cây dương xỉ Pháp để trồng trên quê hương mới tỉnh Đắk Nông để thực hiện ước mơ làm nông nghiệp của riêng mình.

Anh Dũng đã vay mượn từ người thân, họ hàng, ngân hàng cộng thêm số vốn của gia đình để đầu tư trồng dương xỉ. Anh tìm đến thôn Tân Lợi, xã Đăk Rmoan mua lại một diện tích đất tương đối bằng so với địa hình nơi đây. Sau đó anh phá bỏ 1.000 m2 cà phê đang xanh tốt để đầu tư, cải tạo đất dựng nhà kính trồng dương xỉ. Người dân xung quanh nhìn anh ái ngại, cho rằng đầu óc anh không bình thường khi phá bỏ cà phê để trồng một loại cây như cây mọc hoang dại ở rừng, cây không ăn được, không có hoa, không có màu, chung chung gọi là cây lá lạ…..

Sau khi đặt mua giống dương xỉ, trồng chăm sóc sau 6 tháng vườn dương xỉ nhà anh Dũng đã có những chiếc lá to đẹp xanh tốt cho thu hoạch…Anh chọn những chiếc lá đẹp nhất, gói gém cẩn thận vào ba lô và mang xuống chợ đầu mối hoa tại thành phố Hồ Chí Minh chào hàng. Những chiếc lá lạ kia được đón chào, được đặt mua và thị trường chấp nhận. Kể từ đó, anh Dũng đã liên hệ được các mối cung cấp sản phẩm đầu ra cho vườn của mình. Nắm được nhu cầu ngày càng nhiều, có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính hơn, anh tiếp tục đầu tư dần tăng diện tích. Sau 3 năm anh Dũng nhân rộng diện tích vườn trồng dương xỉ lên được 0,4 ha.

Anh Dũng cho biết, bình quân 1.000m2 trồng dương xỉ, anh đầu tư nhà lưới khoảng 100 triệu đồng, giống khoảng 8.000 củ có giá từ 150-160 triệu. Dương xỉ Pháp dễ trồng, chỉ trồng 1 lần các củ giống nhân ra sẽ thu hoạch được lâu dài, sau 4- 5 tháng trồng đã có thể thu hoạch. Cây mang đặc điểm của cây dại dưới tán rừng nên ưa bóng đến 70% và ít sâu bệnh, cỏ dại.

Việc phòng chống bệnh thường gặp cho dương xỉ rất đơn giản. Do trồng trong nhà lưới, kiểm soát độ ẩm tốt nên mùa nắng cây hầu như không có bệnh. Về quản lý sâu hại có khi cả năm anh chỉ phun thuốc sâu 1-2 lần. Ngoài ra việc bón phân cho cây anh áp dụng các biện pháp sinh học là chủ yếu nên không ảnh hưởng đến môi trường anh đang sinh sống và chăm cây hàng ngày.

Anh thu hoạch lá trung bình 3 ngày một lần, một lần cắt khoảng 150-200 bó xuất đi Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở bán hoa tại địa phương. Một bó lá dương xỉ (20 lá/bó) được anh bán với giá từ 20 - 40.000 đồng. Hiện tại vườn của anh Dũng có 2 sào dương xỉ đang đang cho thu hoạch lá ổn định, còn lại anh đang trồng mới và nhân giống cây con cho một số hộ có nhu cầu. Với diện tích khiêm tốn chỉ 0,4 ha, anh vừa thu hoạch vừa nhân giống cho thu nhập trung bình đạt 35 triệu/tháng.

Anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, hiện nay sản phẩm lá dương xỉ của anh chưa đủ cung cấp cho các đầu mối, đặc biệt vào các dịp lễ tết luôn “cháy hàng”. Trong thời gian tới gia đình anh tiếp tục phát triển mở rộng vườn cây dương xỉ đồng thời thực hiện cung cấp cây giống. Anh chia sẻ kinh nghiệm trồng dương xỉ và mong muốn một số hộ quanh vùng trồng cùng anh để ổn định sản lượng.

Dương xỉ là một loài cây cảnh có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà như formaldehyde, xelene và toluene rất hiệu quả. Trồng dương xỉ trong nhà cũng là một cách đơn giản và nhanh chóng làm cho nhà của bạn trở nên đẹp và bắt mắt hơn.

Một buổi chia sẻ kinh nghiệm cùng anh Dũng, chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Đây là kinh nghiệm cho những nông dân khác bởi còn nhiều mô hình “là lạ” mà nếu chúng ta nắm bắt được nhu cầu thị trường, đi trước đón đầu sẽ cho thu nhập ổn định, tránh được rủi ro trong sản suất nông nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Bích-Thanh Tâm (Dân Việt)
Khởi nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN