Mỏi mòn chờ giá cao su tăng

Kể từ năm 2013 đến nay, giá cao su ở Quảng Trị xuống thấp khiến đời sống nông dân lao đao. Bây giờ, họ vừa chăm cao su vừa phập phồng chờ đợi: Bao giờ cao su lên giá?

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh (xã Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị) với gương mặt buồn bã, đang dọn cỏ cho 1ha cây cao su 9 năm tuổi, giữa những cơn gió Lào khô khốc. Gia đình chị được dự án trồng cao su của tỉnh cho vay 9 triệu đồng mua cây giống, ủi đất, phân bón để trồng cao su. Hàng năm, chị được vay thêm 2,5 triệu/ha mua phân chăm bón, đến khi thu hoạch mủ phải trả cả vốn lẫn lãi. Cần cù làm lụng, chăm bón suốt 7 năm trời mong đến ngày thu hoạch, vậy nhưng niềm vui vì mỗi ngày khai thác 500 cây cao su chẳng được bao lâu. 

Theo chị Thanh, giá mủ cao su cứ rớt dần từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000 rồi 15.000 và bây giờ vào những ngày hè - khi cao su có hàm lượng cao thì giá mủ cũng chỉ 8.000-9.000 đồng/kg, còn vào mùa mưa, hàm lượng mủ thấp, giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. “Thức trắng cạo mủ từ 1 giờ sáng đến khi mặt trời lên cao nhưng giỏi nhất chỉ kiếm được 100.000 đồng/buổi, tốn công sức lắm” – chị Thanh than thở.

Mỏi mòn chờ giá cao su tăng - 1

Dù giá mủ cao su xuống thấp nhưng chị Hằng vẫn cố gắng chăm sóc, thu hoạch  để giữ sức cho cây.   N.V

Góp vào câu chuyện buồn về cao su, chị Lê Thị Hằng (xã Trung Sơn, Gio Linh) cho biết, lâu nay chị cũng như người dân nơi đây thu hoạch mủ cao su chỉ vì tiếc công, tiếc của đã bỏ ra chứ thu nhập chẳng mấy đồng. Bấm đốt ngón tay hồi lâu, chị Hằng cho biết nhà chị đang nợ ngân hàng hơn 20 triệu đồng tiền trồng cao su. “Cứ tưởng giá cao như hồi năm 2012 thì 1 năm thu hoạch là đủ trả nợ. Ai ngờ cao su rớt giá, vậy là đến giờ nợ vẫn chưa trả được” – chị Hằng thở dài.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tích cực tuyên truyền cho người dân cố gắng chăm sóc và chờ đợi giá lên. “Giờ mà chặt cao su rồi đến khi nó tăng giá thì lấy đâu mà bán. Chúng tôi thấm thía cái điệp khúc “chặt-trồng, trồng-chặt” rồi nên 2 năm nay vẫn cố gắng chăm sóc cao su, tự đặt cho mình một niềm tin dù mong manh là trong thời gian tới mủ cao su sẽ tăng giá” – chị Hằng cười gượng. Anh Bùi Xuân Khánh ở thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) trước kia cũng là một đại gia với 8ha cao su cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm, nhưng nay cũng điêu đứng vì giá mủ xuống đáy. Tuy nhiên, anh Khánh vẫn tin rằng không lâu nữa giá cao su sẽ tăng lên.

Ông Văn Lưu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Trị cho biết, giá mủ cao su xuống thấp vì hai nguyên nhân chính. Một là giá mủ cao su trên thế giới xuống thấp do cung vượt quá cầu, trong khi nền kinh tế đang khó khăn, sức mua các sản phẩm làm từ cao su nói riêng và hầu hết các sản phẩm nói chung đều giảm. Hai là do giá dầu mỏ xuống thấp, kéo theo giá mủ cao su xuống thấp.

Đối phó với giá mủ cao su thấp, nông dân Quảng Trị đã trồng xen canh những loại cây hoa màu kết hợp chăn nuôi trên diện tích trồng cao su để giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Ông Đào Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện nay tỉnh có trên 18.500ha cao su (giảm 645ha so với cùng kỳ năm trước). Người nông dân đang hết sức khó khăn khi giá mủ cao su xuống thấp do thị trường bất ổn. Tuy nhiên, Sở khuyến cáo bà con nông dân không nên quay lưng, chặt bỏ cao su tránh gây hiệu ứng dây chuyền không tốt và tránh tình trạng khi cao su giá rẻ thì chặt bỏ, đến khi giá cao lại không có bán gây lãng phí.

Huyện sông hinh (Phú Yên): Dân chặt bỏ 6ha cao su
 
Ông Nguyễn Khắc Sự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho biết, đang bắt đầu vào vụ thu hoạch mủ nhưng nông dân địa phương đã chặt bỏ khoảng 6ha cao su gần 10 năm tuổi. Đây chủ yếu là những diện tích cao su kém năng suất, bà con chặt bỏ để trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, sâu xa của việc chặt bỏ này là do mủ cao su liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tỉnh Phú Yên hiện có diện tích cao su trên 4.000ha, chủ yếu trồng tập trung tại huyện Sông Hinh. 
HÙNG PHIÊN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN