Mới lạ bánh chưng Tết vị caramel, nhân bào ngư
Bên cạnh bánh chưng truyền thống với nhân thịt lợn và đỗ xanh, thị trường Tết 2023 xuất hiện nhiều loại bánh chưng độc đáo, mới lạ cả về hình thức lẫn hương vị.
Bánh chưng mật thịt
Đúng như tên gọi, bánh chưng mật thịt là sự kết hợp giữa nhân mặn và ngọt hài hòa trong một chiếc bánh. Bên cạnh thịt heo, đậu xanh như bánh truyền thống thì món bánh này có thêm lớp mật từ đường phên với màu nâu sậm và vị ngọt đậm.
Bánh chưng mật thịt với màu nâu sậm và vị ngọt đậm (Ảnh: Thúy Hằng).
Theo chia sẻ của đại diện một thương hiệu bánh chưng tại Hà Nội, làm bánh chưng ngọt cầu kỳ hơn nhiều trong khâu gói. Đường chọn phải là đường ngon, được cạo từ những tảng lớn. Đường gói đến đâu phải cạo tới đó để tránh đường bị ướt. Khi bánh chín, mật đường sẽ chảy ra, quyện vào đậu xanh và thịt ba chỉ.
“Thời gian làm một chiếc bánh chưng ngọt bằng hai cái bánh chưng mặn nhưng khi làm được một mẻ bánh chưng ngọt thì cảm thấy vui lắm, mùi thơm phức. Giá cả của hai loại bánh thì không chênh nhau mấy, chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/chiếc, nên nhiều khách hàng năm nay muốn đổi vị sang bánh chưng mật thịt. Khi ăn sẽ thấy vỏ ngoài khá mềm, bên trong có vị hơi giống caramel”, chị chia sẻ.
Bánh chưng mật thịt có giá khoảng 80.000 - 120.000 đồng/chiếc tùy theo trọng lượng 1 - 1,5kg. Ngoài ra, cửa hàng còn làm bánh size mini để khách hàng ăn thử với giá 110.000 đồng/4 chiếc.
Bánh chưng bào ngư
Bên cạnh các loại bánh chưng cao cấp nhân cá hồi, thịt heo Iberico, thịt bò hữu cơ… năm nay trên thị trường còn xuất hiện bánh chưng nhân bào ngư.
Chị Hồng Nhung (Hà Nội) cho biết: “Thấy quảng cáo bánh chưng bào ngư trên chợ mạng, tôi cũng đặt mua một chiếc ăn thử. Phần nhân bào ngư bên trong cũng khá nhiều, xen kẽ với thịt mỡ và đậu xanh. Bào ngư đã được xào cùng một số loại gia vị nên đậm đà và không có cảm giác bị tanh. Khi cắn đến phần bào ngư sẽ thấy giòn giòn khác biệt”.
Bánh chưng bào ngư được bán với giá 300.000 đồng/chiếc (Ảnh: Azapphize).
Bánh chưng bào ngư có size lớn 1,5kg, được bán với giá 300.000 đồng/chiếc, gấp 3-4 lần so với bánh chưng truyền thống.
Bánh chưng bào ngư được đóng hộp đẹp mắt, nên được nhiều khách hàng lựa chọn làm quà biếu trong dịp Tết năm nay. Bên cạnh đó các món bánh chưng vị hải sản cũng giúp chống ngán hiệu quả trong những ngày Tết.
Bánh chưng hạt sen
Trước đây hạt sen thường được sử dụng trong bánh chưng chay, nhưng nay chúng còn được sử dụng trong cả bánh chưng thịt. Khúc biến tấu hạt sen, thịt ba rọi, đậu xanh, kết hợp cùng nếp mùa dẻo đã tạo nên một món bánh chưng ăn vừa quen vừa lạ. Quen vì mùi vị vẫn đậm đà như bánh chưng truyền thống, lạ vì lẫn trong vị dẻo của nếp còn có vị bùi bùi của hạt sen.
Ngoài ra bánh chưng hạt sen thường được bọc trong lớp áo đen của gạo lứt hoặc đỏ của gấc, ăn rất hợp vị.
Khúc biến tấu hạt sen tạo nên món bánh chưng ăn vừa lạ vừa quen (Ảnh: ansapsaigon).
Theo nhân viên của một cửa hàng bán bánh chưng hạt sen trên phố Nguyễn Quang Bích, Hà Nội là có hai loại là bánh chưng gạo lứt đỏ và bánh gạo lứt đen.
Bánh gạo lứt đỏ, khi hoàn thành bánh sẽ dẻo hơn và với tỷ lệ tiêu ít hơn, bánh sẽ không bị đậm vị tiêu phù hợp với thực khách không ăn được cay và các em nhỏ. Còn bánh gạo lứt đen, với tỷ lệ tiêu nhiều hơn nên sẽ đậm hơn, thơm hơn và rất phù hợp với thực khách thích vị nồng ấm của tiêu.
Bánh chưng hạt sen hiện được bán với giá 220.000 đồng/chiếc 800gr. Tại một số cửa hàng, đặt khoảng 1 tuần sau sẽ có hàng. Các cửa hàng cho biết cũng sẽ chỉ nhận đơn đến dịp ông Công ông Táo.
Nguồn: [Link nguồn]
Cây trâm vối 200 tuổi được giới săn cây cảnh trong và ngoài nước trả giá 10 tỷ đồng nhưng chủ nhân của nó vẫn không chịu bán.