Mới có kịch bản, khách hàng đã tìm cách né giá điện cao
Bộ Công thương đã xây dựng kịch bản điều hành giá điện và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện. Khi dự thảo này còn chưa chính thức được áp dụng, người dùng đã chia sẻ nhau cách tiết kiệm tiền điện với biểu giá mới này.
Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Theo Bộ Công thương, cách tính giá điện lần này nhằm đơn giản hóa việc áp dụng quy định về hệ thống điện phân phối cho nhóm khách hàng sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh.
Cũng theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaixia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang. Đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất trong lần thay đổi cơ cẩu biểu giá điện lần này (giá bán điện hiện đang áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch là giá bán điện kinh doanh ở mức cao hơn so với giá bán điện cho sản xuất).
Dự thảo biểu cơ cấu giá điện của Bộ Công thương xây dựng thì giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện bán lẻ vẫn được chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần, khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ như mức hiện hành.
Điểm khác của biểu giá điện mới là mức giá của mỗi bậc thang được tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện bình quân, khác với biểu giá điện hiện đang áp dụng có mức giá bán cụ thể tính theo đơn vị đồng/kWh.
Với cách tính giá điện như dự thảo của Bộ Công thương, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng chỉ những hộ cực nghèo, sử dụng điện để thắp sáng cơ bản mới được mua điện với giá thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay khi đời sống xã hội đã được nâng lên khá nhiều cho nên số hộ nghèo sử dụng điện dưới 50 kWh là rất ít, bởi các hộ nghèo cũng đã có nhiều thiết bị sử dụng điện hơn so với ngày trước.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay hiện số các gia đình có mức sử dụng điện trung bình từ 101 - 400 kWh/tháng chiếm phần lớn, bởi vậy, với cách tính theo biểu giá điện mới, phần lớn khách hàng phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ điện bình quân từ 110% đến 154%. Như vậy, thay vì hỗ trợ giá điện thấp cho người nghèo thì số người tiêu dùng sử dụng điện ở mức giá cao hơn giá hiện tại sẽ nhiều hơn, tạo ra sự thiếu cân bằng. Giá điện nếu được tính theo biểu giá mới, rõ ràng sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân và các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cũng lo ngại về việc giá điện sẽ kéo theo giá cả hàng loạt hàng hóa trên thị trường được đà tăng theo.
Bộ Công thương khẳng định biểu cơ cấu giá điện mới có lợi cho người nghèo. Ảnh: PV
Mạng xã hội “tung chiêu” né tiền điện
Hiện nay, khách hàng dùng từ 0-50 “số điện” được hưởng mức giá rẻ nhất là 1.484 đồng/số điện. Trong khi đó, khách hàng dùng từ 401 “số điện” trở lên phải chịu mức giá cao gấp gần 2 lần so với giá bán lẻ điện bình quân, lên tới 2.587 đồng/số điện. Theo tính toán, khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá điện cao hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất.
Trước thông tin biểu giá mới với cách tính mới, trên mạng xã hội nhiều người đã bật mí cách giảm tiền điện bằng cách tách công tơ điện nếu gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Qua đó, giảm được tiền điện khi tính theo giá điện bậc thang.
Theo đó, người tiêu dùng còn hướng dẫn cụ thể cho nhau như đến phòng giao dịch khách hàng của điện lực để thực hiện thủ tục lắp đặt thêm công tơ. Ngoài các giấy tờ và thủ tục như lắp đặt công tơ thông thường thì người dân cần thêm hồ sơ sau: Bản sao sổ hộ khẩu của hộ tách mới; Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ hợp đồng mua bán điện đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ hợp đồng mua bán điện đang dùng chung.
Anh Lê Khánh Toàn nhà ở hẻm 8/ngách 111/ ngõ 219 Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Nhìn biểu cơ cấu giá điện mới thì thấy nếu dùng nhiều số điện tiền điện sẽ tăng cao theo hệ số các bậc. Đại gia đình mình chỉ dùng 1 công tơ điện. Tuy nhiên, sắp tới phải tách hộ khẩu riêng. Bởi vì khác khẩu mặc dù sinh hoạt chung nhà thì vẫn được hưởng thêm 1 định mức sinh hoạt điện bậc thang mà không cần phải lắp thêm công tơ bằng cách đến điện lực khu vực làm thủ tục đăng ký tăng định mức”.
Anh Toàn cho biết, anh đã hỏi thủ tục để có thể bổ sung định mức số hộ sử dụng điện. Theo đó, khách hàng có nhu cầu đăng ký định mức cần chuẩn bị các giấy tờ để chứng minh hiện có 2 hộ đang sử dụng cùng 1 công tơ trong nhà. Trường hợp khách hàng chưa có sổ hộ khẩu, thì cần có đơn đề nghị bổ sung số hộ sử dụng và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Dù là kịch bản nào đi nữa, nhưng như đã nói ở trên là chắc chắn giá điện sẽ tăng. Và dù người tiêu dùng đã tìm mọi cách để “né” giá điện cao nhưng thâm hụt thêm túi tiền vì dùng điện là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng nhất để tiết kiệm tiền điện cho gia đình vẫn là ý thức, thói quen tiết kiệm- hãy tắt khi không sử dụng. Có một băn khoăn của phần lớn khách hàng mà ngành điện cũng cần tìm hướng trả lời là tại sao trong lịch sử phát triển của mình chưa bao giờ ngành điện sử dụng từ “giảm giá”?
Dự thảo biểu cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt chia làm 6 bậc: Bậc 1: Từ 0-50 kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2: Từ 51-100 kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 3: Từ 101-200 kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 4: Từ 201-300 kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 5: Từ 301-400 kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân. Giá điện bình quân 1.662 đồng/kWh. |