Mở rộng kiểm tra sữa nhiễm khuẩn độc hại

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu rà soát các sản phẩm sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate có nguồn gốc từ New Zealand

Ngày 5-8, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP)- Bộ Y tế, tiếp tục có văn bản yêu cầu các công ty kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa rà soát việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate cũng như các sản phẩm chứa nguyên liệu này được sản xuất bởi Công ty Fonterra New Zealand (bị nhiễm vi khuẩn C. Botulinum).

Vi khuẩn cực độc


Ngoài ra, với các lô hàng sữa nguyên liệu whey protein concentrate có nguồn gốc từ New Zealand cũng được yêu cầu kiểm tra vi khuẩn C. Botulinum trước khi cho phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Ông Trung nhận định sữa nghi nhiễm vi khuẩn C. Botulinum là một sự cố lớn, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam được ghi nhận trong những năm gần đây. “Hiện Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đang xét nghiệm sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q để tìm vi khuẩn C. Botulinum. Trường hợp phát hiện sữa nhiễm vi khuẩn C. Botulinum sẽ yêu cầu tiêu hủy toàn bộ”- ông Trung khẳng định.

Cục ATTP ngày 5-8 đã khẩn cấp có hướng dẫn phòng chống ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum. Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục ATTP, vi khuẩn C. Botulinum có khả năng sống sót cao (nha bào của chúng tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói... nhiều tuần). Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Đáng nói là vi khuẩn C. Botulinum sống rất dai. Với các hóa chất khử trùng thông dụng phải mất 30 phút trong nhiệt độ 60oC mới tiêu diệt được và để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút…

Mở rộng kiểm tra sữa nhiễm khuẩn độc hại - 1

Thị trường sữa chấn động sau thông tin 10 lô sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q
dành cho trẻ em từ 1-3 tuổi của Abbott phải thu hồi vì nhiễm khuẩn. Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Hùng cũng lưu ý thời gian ủ bệnh do nhiễm khuẩn C. Botulinum khá ngắn, từ vài giờ tới 24 giờ (trong thức ăn có sẵn độc tố) và từ 3 - 5 ngày (thức ăn có nha bào C. Botulinum). Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, có thể khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng, không sốt, không có hội chứng màng não, người bệnh tỉnh táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Đã thu hồi 10.135 thùng

Ngày 5-8, trả lời Báo Người Lao Động, Văn phòng Đại diện Công ty Abbott tại Việt Nam và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A cho biết sau khi đối chiếu kỹ các lô hàng có nguy cơ bị nhiễm độc thịt do Fonterra (nhà sản xuất hợp đồng của Abbott) và các lô hàng nhập khẩu, bán ra thị trường Việt Nam, nhà phân phối sản phẩm Abbott tại Việt Nam thu hồi thêm lô số 2676G54120. Ngoài ra, lô 2567G54119 đã thông báo thu hồi không nằm trong danh sách có nguy cơ bị nhiễm độc thịt, thay vào đó là lô 2566G54120.

Như vậy, tổng cộng có 10 lô sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q dành cho trẻ em từ 1-3 tuổi bị thu hồi, bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2566G54120, 2567G54120, 2676G54120.

Các lô sữa bị nghi nhiễm vi khuẩn độc thịt được bán ra thị trường từ giữa tháng 7 với tổng cộng 12.927 thùng (một thùng loại 400 g có 24 hộp, loại 900 g có 12 hộp - PV). Đại diện Công ty Dinh dưỡng 3A cũng cho biết tính đến chiều ngày 4-8, công ty đã thu hồi được 10.135 thùng và đang tích cực tổ chức thu gom. Vị đại diện này cũng cho biết đã khuyến cáo khách hàng nếu đã mua sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nên kiểm tra số lô in ở đáy lon. Nếu số lô trùng với số lô bị ảnh hưởng mà Cục ATTP công bố thì khách hàng ngưng sử dụng và mang đến nơi bán hàng để được đổi sản phẩm mới. Trường hợp khách hàng từ chối đổi sản phẩm sẽ được hoàn lại tiền mua.

Tuy nhiên, theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký phụ trách văn phòng tư vấn hỗ trợ, giải quyết khiếu nại người tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), đối với bất cứ sản phẩm nào, khi đã kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm bồi thường. Việc bồi thường không chỉ là chuyện trả lại sản phẩm, hoàn lại tiền mà cả những ảnh hưởng tác động đến sức khỏe của người sử dụng do việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng.

Nhan nhản sữa nghi nhiễm khuẩn

Ngày 5-8, Cục ATTP ra thông báo yêu cầu dừng lưu thông và khẩn trương thu hồi sản phẩm thực phẩm công thức dinh dưỡng Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800 g với số lô 300513R1 sản xuất ngày 30-5-2013 bởi Công ty Danone Dumex (Malaysia) SDN. BHD; Công ty TNHH Danone Việt Nam nhập khẩu. Trước đó, Cục ATTP đã nhận được báo cáo của Công ty TNHH Danone Việt Nam về việc lô hàng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn C. Botulinum do Công ty Fonterra - New Zealand sản xuất. Hiện công ty này đang tiến hành thu hồi sản phẩm. Số lượng sản phẩm nhập khẩu là 615 thùng (12 hộp/thùng), trong số đó khoảng 190 hộp đã được bán ra thị trường.

Liên quan đến sản phẩm sữa Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, mặc dù Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất cứ sản phẩm nào loại này vào Việt Nam nhưng trên nhiều trang web mua hàng trực tuyến, sản phẩm sữa Karicare số 1 và số 2 được rao bán rất nhiều. Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc và ngừng sử dụng nếu các sản phẩm thuộc các lô hàng có cảnh báo nhiễm vi khuẩn C. Botulinum.

N.Dung

Fonterra phủ nhận che giấu thông tin về vụ nhiễm khuẩn

Ông Theo Spierings, Giám đốc điều hành tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand, hôm 5-8 đã lên tiếng xin lỗi vì vụ một số sản phẩm của họ bị nhiễm khuẩn gây bệnh độc thịt, dẫn đến việc thu hồi hàng hóa trên thế giới.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh - Trung Quốc, ông Spierings đã bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng New Zealand John Key, theo đó Fonterra đã trì hoãn cung cấp thông tin về vụ việc. Ông khẳng định đã thông báo cho các khách hàng và nhà chức trách trong vòng 24 giờ sau khi xác nhận việc nhiễm khuẩn. Dù vậy, vụ bê bối trên đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Fonterra, nhà xuất khẩu các sản phẩm sữa lớn của thế giới.

Theo Fonterra, có đến 1.000 tấn sản phẩm, trong đó có sữa bột em bé, nước uống thể thao…bán tại 7 nước có thể bị nhiễm khuẩn, gồm New Zealand, Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Malaysia và Ả Rập Saudi. Một bộ trưởng New Zealand hôm 4-8 cho biết Trung Quốc đã cấm nhập khẩu mọi loại sữa bột từ nước này. Tuy nhiên, đến ngày 5-8, các quan chức New Zealand nói lại rằng Bắc Kinh chỉ mới tạm thời cấm nhập khẩu các sản phẩm của Fonterra. Cùng ngày, Nga đã cấm nhập khẩu mọi sản phẩm sữa từ New Zealand ngay cả khi nước này không thuộc số những quốc gia bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo báo Bangkok Post, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan ra lệnh thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Fonterra nhập khẩu từ tháng 5 để kiểm tra. Tại Malaysia, Bộ Y tế xác định sản phẩm sữa Karicare của Nutricia cho trẻ từ 6 tháng tuổi là sản phẩm duy nhất “có khả năng nhiễm khuẩn”. Các sản phẩm Karicare nhập khẩu sẽ bị thu giữ và kiểm tra.

H. Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Thanh Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN