‘Mở đường’ cho gà lậu giết gà nội
Trong khi người chăn nuôi luôn phải bán gà dưới giá thành thì gà nhập lậu vẫn ồ ạt chảy về Việt Nam. Hậu quả là gà nhập lậu giá siêu rẻ đang đẩy dần người chăn nuôi vào cảnh thua lỗ triền miên, teo tóp vốn và bỏ nghề.
Gà nhập lậu vẫn tung hoành
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNN), 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 2.735 tấn thịt lợn và 52.586 tấn thịt gà các loại, trong đó có 6.147 tấn là gà thải loại nhập từ Hàn Quốc, chiếm 11,7% tổng số gà nhập khẩu.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, còn con số nhập lậu gia cầm hàng ngày qua các tỉnh biên giới thì lớn hơn nhiều.
Theo báo cáo của các địa phương, vào thời kỳ cao điểm, lượng gà loại thải của phía Trung Quốc nhập qua tỉnh Quảng Ninh có thể lên đến 100 – 200 tấn/ngày, qua Lạng Sơn có thể lên đến 100 tấn/ngày. Như vậy, tính ra bình quân mỗi năm, gà đẻ loại thải Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam ước tính khoảng 70.000 – 100.000 tấn.
Ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết, hiện Quảng Ninh có 9 xe chuyên chở gia cầm nhập lậu từ Móng Cái về thẳng chợ Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) để tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn bắt được các đầu nậu này không phải dễ bởi chúng thường xuyên thay đổi biển số xe để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Trên địa bàn Hà Nội, từ chợ đầu mối tới chợ dân sinh, gà nhập lậu được bày bán tràn lan, không được kiểm soát, kiểm dịch. Tại chợ Hà Vĩ, mỗi ngày vẫn có hàng chục tấn gà nhập lậu được tuồn vào qua đủ các con đường khác nhau.
Gà nhập lậu vẫn ồ ạt chảy về Việt Nam.
Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm đã có những diễn biến phức tạp. Tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, hàng ngày có khoảng 60 – 80 tấn gà được đưa về tiêu thụ, trong đó gà nhập lậu chiếm khoảng 14 – 24 tấn.
Người chăn nuôi bỏ nghề
Trong khi tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn chưa được ngăn chặn thì người chăn nuôi trong nước lại liên tục phải bán gà dưới giá thành, chịu lỗ do gà thải loại ồ ạt nhập về nước. Không ít người chăn nuôi do thua lỗ nhiều, cạn vốn đành phải treo chuồng hay chuyển sang nghề khác.
Tại một số trang trại ở các tỉnh phía Bắc, giá gà xuất chuồng chưa xuống thấp như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… nhưng cảnh phải bán gà dưới giá thành, chịu lỗ là điều không thể tránh khỏi.
Anh Đào Văn Bằng, chủ một trang trại gà ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết, do gà nhập khẩu về nhiều, gà trong nước bị ép giá nên người chăn nuôi từ đầu năm tới giờ lúc nào cũng trong tình trạng thua lỗ.
“Đợt vừa rồi, cách đây chưa đầy một tháng, gia đình tôi có xuất bán 5.000 con gà thịt trắng với giá 25.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành chăn nuôi hiện tại lên đến 30.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi kg gà xuất chuồng lỗ mất 5.000 đồng, theo đó tổng đàn gà gia đình tôi lỗ mất trên 60 triệu đồng”.
Theo lời anh Bằng ở địa phương nơi anh sinh sống có tới 85% số hộ chăn nuôi đang chịu thua lỗ do giá gà liên tục xuống thấp, phần lớn sợ lỗ tiếp nên đã treo chuồng. Nhiều hộ chăn nuôi lớn lỗ tới vài ba trăm triệu không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, có nhiều hộ ít vốn làm ăn, còn phải bán đất trả nợ ngân hàng do chăn nuôi thua lỗ.
“Vào những năm trước, gà xuất chuồng được giá nên thu nhập khá ổn định. Nhưng năm nay, hộ nào cũng bết bát, nuôi 5 lứa gà thì có đến 4 lứa bị lỗ do bán dưới giá thành. Nhiều lần vậy khiến vốn cạn kiệt dần nên gia đình cũng phải tính chuyện chăn nuôi con khác chứ không thể tiếp tục theo mãi con gà”, anh chia sẻ.
Anh Bằng tâm sự: “Hiện tại gia đình không dám nuôi nhiều như trước vì sợ tiếp tục lỗ mà chuyển dần sang nuôi lợn rừng. Cũng may lợn rừng bán được giá nên số lãi của lợn bù vào số lỗ của gà là vừa chứ không thì chuyện treo chuồng là đương nhiên. Nhiều hộ chăn nuôi không còn vốn đành bỏ nghề đi làm ăn xa trả nợ”.
Cùng chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Tâm ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết gia đình mở trại chăn nuôi gà đã được gần 10 năm, thế nhưng do thua lỗ triền miên nên giờ đành treo chuồng.
Ngoài ra, chị Tâm cũng chia sẻ, từ khi thua lỗ, tiền vốn làm ăn bị teo tóp dần, không dám chăn nuôi tiếp chị đành quyết định chuyển sang đi buôn bán gà. “Mỗi ngày nhập khoảng 5 tạ gà thải loại từ các chợ đầu mối ở Hà Nội hay tại các trại gà đẻ ở trong tỉnh về vừa bán lẻ tại chợ quê, vừa làm thịt bán cho các quán ăn cũng kiếm được kha khá”.
Từ khi chuyển sang nghề buôn thu nhập của gia đình ổn định mà không phải đầu tắt mặt tối, vất vả sớm hôm rồi suốt ngày lo nghĩ tính toán chuyện lỗ lãi trong chăn nuôi như trước, chị Tâm nói.
Nhiều hộ chăn nuôi được hỏi đều than rằng nếu tình trạng gà nhập lậu vẫn tiếp tục về Việt Nam mà cơ quan chức năng không có cách ngăn chặn triệt để thì hàng loạt chuồng trại của các hộ chăn nuôi sẽ trống không bởi họ đều hết vốn làm ăn do thua lỗ kéo dài.
Nguồn: [Link nguồn]