Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi?

Năm 2015 này, khi thị trường bán lẻ được mở cửa hoàn toàn, việc các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới sẽ ào ạt vào Việt Nam là không tránh khỏi. Thực tế này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, nhưng bù lại, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Sự kiện 2 hệ thống siêu thị lớn, tên tuổi trên thị trường là Parkson và Highway đột ngột cùng đóng cửa trong tháng 12 vừa qua là một minh chứng rất thực tế cho sự khốc liệt của thị trường bán lẻ trong thời gian tới.

Ồ ạt những cuộc đổ bộ vào VN

Năm 2015 cũng được nhiều chuyên gia dự báo cạnh tranh bán lẻ sẽ đẩy lên rất cao với sự tham gia của nhiều đối tác mới khi mà các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp như Hàn Quốc (Lotte), Nhật Bản (Aeon), Thái Lan vẫn tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam, cùng với hàng chục thương hiệu doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng đã có mặt trên thị trường như Metro, Robin, Citimart, BigC… tạo nên một môi trường cạnh tranh rất khốc liệt.

Mở cửa thị trường bán lẻ: Người tiêu dùng được lợi? - 1

Người tiêu dùng sẽ được mua hàng hóa với giá cả cạnh tranh. Ảnh chụp tại siêu thị Co.op Mart Cần Thơ.  Ảnh: Ly Xây

Năm qua, trong trào lưu mua bán, sáp nhập nhiều thương hiệu của doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng trên thị trường đã bị doanh nghiệp bán lẻ ngoại thâu tóm. Điển hình là trào lưu đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ của các tỷ phú Thái Lan. Các tỷ phủ lớn nhất nhì Thái Lan đã mua xong hệ thống siêu thị Metro. Đồng thời 2 trung tâm mua sắm Robins với mức đầu tư gần 10 triệu USD tại hai thành phố lớn. Và mới đây nhất, tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã bỏ ra 200 triệu USD để mua đứt 49% của siêu thị bán lẻ điện máy Nguyễn Kim.

Tập đoàn của Thái Lan sau khi mua lại Metro đã từng bước nắm 2 chuỗi cả siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích. Riêng cửa hàng tiện ích đã có hơn 140 cửa hàng ở Việt Nam khiến người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận kênh mua bán hiện đại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang tận dụng tâm lý thích dùng hàng ngoại nhập của người tiêu dùng trong nước để vững tin đầu tư vào Việt Nam. Chính vì vậy họ có lợi thế về độ chuyên nghiệp, mức độ đảm bảo uy tín về thương hiệu nên có nhiều lợi thế khi đặt chân vào thị trường.

“Sự có mặt của các doanh nghiệp bán lẻ lớn từ nước ngoài sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lợi ích. Đơn cử trước đây sự có mặt của hai đai gia nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ là Big C và Metro đã mang đến một luồng gió mới, khiến không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà cả những đại diện kênh phân phối nhỏ lẻ trung gian cũng có phần lợi ích. Vẫn những hàng hoá đó, nhưng hàng chục nghìn khách hàng được cấp thẻ hội viên Metro luôn có quyền mua được hàng với giá thấp hơn thị trường bên ngoài từ 10-15%” ông Phong cho biết. “Sự bùng nổ của các hoạt động bán lẻ và phân phối bán lẻ cũng tạo sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các bên bán lẻ khiến cho không còn tình trạng độc quyền để hưởng lợi nhuận cao như trước”- ông Phong nhấn mạnh.

Thị trường bán lẻ chuyên nghiệp hơn

Mới đây, tại hội thảo về thị trường bán lẻ, bà Lý Thị Hoa (Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hàng hóa nước ngoài luôn nổi trội về mẫu mã, tiện ích, các tính năng độc đáo vượt trội, đó còn chưa kể đến hàng nước ngoài còn được hỗ trợ bởi khả năng quảng cáo chuyên nghiệp.

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã phân tích về điểm yếu của doanh nghiệp bán lẻ nội: “Các tập đoàn nước ngoài quen buôn bán toàn cầu, kinh nghiệm nhiều chục năm, họ chấp nhận bán lỗ trong 5 năm đầu để thu hút khách hàng. Trong khi đó doanh nghiệp Việt nếu lỗ 2 năm liên tiếp là đã chết”.

Chị Lan Hương (Công ty Viễn thông Hà Nội) cho biết: Lâu nay người tiêu dùng đã ngán hàng Trung Quốc nên việc các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào thị trường hy vọng sẽ mang theo những sản phẩm với thương hiệu Nhật, Thái, Hàn Quốc cho người tiêu dùng Việt”. “Đôi khi không chỉ là vấn đề giá cả, cái mà người tiêu dùng Việt mong muốn là chất lượng. Hy vọng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm ăn chuyên nghiệp hơn”, chị Hương chia sẻ.

Anh Hoài Nam (Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoài Nam, Đông Anh, Hà Nội ) cho biết: Nghe tin Metro bán cho “đại gia” Thái tôi hy vọng người Việt sẽ được dùng nhiều hàng hóa chất lượng, giá rẻ và dịch vụ tốt. Lâu nay Thái Lan vẫn là quốc gia được ghi nhận là có trình độ quản lý và dịch vụ tốt”.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Hết sức thận trọng chiêu “chiếm dụng hàng hóa”

Khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ào ạt vào Việt Nam số đông người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hệ thống bán lẻ hiện đại, chuyên nghiệp. Họ sẽ được tiếp cận nhiều loại hàng hóa phong phú về chủng loại, chất lượng đảm bảo, giá cả nhiều ưu đãi…Tuy nhiên, đối với nền kinh tế nói chung và các nhà sản xuất trong nước nói riêng thì phải hết sức thận trọng. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tận dụng lợi thế chuyên nghiệp trong kênh phân phối của họ để chiếm dụng hàng hóa, thực chất là chiếm dụng vốn bằng cách thu mua hàng hóa trả chậm từ 30, 60 ngày đến 90 ngày, thậm chí 180 ngày mới thanh toán cho nhà sản xuất. Chính vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải cạnh tranh khốc liệt, mà cả các nhà sản xuất cũng sẽ phải chấp nhận thiệt thòi, lợi nhuận mỏng khi làm ăn với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN