Miền Bắc: Mừng - lo xuất gạo sang Trung Quốc

Mấy ngày qua, Trung Quốc (TQ) đã nhập khẩu trở lại gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

Thực tế trên cho thấy, việc TQ mở cửa nhập khẩu trở lại chưa hẳn đã là tín hiệu mừng, và các doanh nghiệp Việt Nam (VN) cần tỉnh táo để không quá lệ thuộc vào thị trường luôn chứa đựng nhiều “bất ngờ” này.

Tiêu thụ lẹt đẹt

Anh Trần Hữu Huỳnh- chủ cơ sở lớn nhất ở chợ gạo TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Gần 1 tháng trước, các đầu mối nhập gạo ở Quảng Ninh xuất sang TQ ngừng thu mua, khiến giá gạo trên địa bàn giảm. Cũng may là tôi đã tìm được mối bán gạo cho một số nhà máy trong khu công nghiệp, chứ không thì phá sản”.

Miền Bắc: Mừng - lo xuất gạo sang Trung Quốc - 1

Lượng gạo tồn kho nhiều khiến tiểu thương lo lắng.

Anh Huỳnh cho biết thêm, dù đã tìm được mối bán gạo, nhưng giá bán và số lượng gạo cung cấp cũng bấp bênh. Tháng trước, giá gạo thơm bán cho các đầu mối ở Quảng Ninh là 18.000 đồng/kg, giờ còn dưới 16.000 đồng/kg; xi dẻo từ 14.000 đồng/kg, giảm còn gần 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở chỉ bán được 2 - 3 tấn/ngày, giảm 4 -5 lần so với trước. 

Theo khảo sát của phóng viên tại thôn Trai Trang (Yên Mỹ, Hưng Yên), một trong những đầu mối kinh doanh gạo lớn nhất miền Bắc, chuyên thu mua xuất đi TQ, không khí buôn bán ở đây cũng khá im ắng. Bà Yến, chủ cơ sở kinh doanh gạo tại đây cho hay: “Gần đây phía TQ ngừng nhập khẩu nên chúng tôi cũng tạm dừng thu mua gạo. Tính riêng lượng gạo ùn ứ trong kho, hiện đã vài chục tấn, trong khi để tồn lâu ngày gạo sẽ bị hao hụt và giảm chất lượng” - bà Yến than thở.

Tương tự, khảo sát của phóng viên tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho thấy, hàng chục cơ sở xay xát gạo tại đây cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm, tiêu thụ nhỏ giọt. Chị Hoàng Thị Hiền-chủ cơ sở xay xát gạo ở xóm 3, xã Ân Hòa (Kim Sơn) ngao ngán nói: “Khoảng một tháng nay, nhà tôi chỉ chạy máy xát được mấy buổi, còn lại gần như đóng cửa.

Trong khi cùng thời điểm tháng trước, mỗi ngày tôi xay xát 15 tấn lúa, thu lãi 7-8 triệu đồng. Huyện Kim Sơn có khoảng 30 – 40 máy xay xát lớn thì đều đang trong tình trạng buôn bán èo uột”.

Mừng ít, lo nhiều 

Chị Hoàng Thị Dung, tiểu thương ở xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) cho biết: “Tôi cũng nghe phong thanh TQ đang nhập khẩu gạo trở lại theo đường tiểu ngạch, nhưng thực tế thì gạo vẫn rất khó bán.

Hiện, giá gạo tẻ thơm ở Ninh Bình dao động từ 14.600 – 14.700 đồng/kg; gạo nếp trắng, đẹp giá 12.000 đồng/kg, gạo nếp thường xuất đi TQ từ 11.400 – 11.500 đồng/kg. Với giá trên, cố lắm chúng tôi mới lời một chút, còn chỉ mong hòa vốn” – chị Dung thở dài nói.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo, cho phép các doanh nghiệp hoạt động XK gạo qua biên giới theo đường tiểu ngạch với điều kiện thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu tại các điểm thông quan... Tuy nhiên, về lâu dài, VN vẫn định hướng phát triển quan hệ thương mại với TQ theo con đường chính thức.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, trong số gần 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu của VN trong 11 tháng qua, TQ nhập hơn 30%, giá trị kim ngạch đạt hơn 800 triệu USD. Đây cũng mới là lượng gạo nhập theo đường chính ngạch.

Hồi đầu tháng 11, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) ước tính lượng gạo xuất tiểu ngạch sang TQ có thể lên đến 1,5 triệu tấn trong cả năm 2013.Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, VN và TQ đã ký thỏa thuận về hợp tác xuất khẩu gạo (chính ngạch) nhưng cho đến nay, phía TQ chưa hề công bố sẽ nhập bao nhiêu gạo của Việt Nam.

Bộ này cũng xác nhận, lượng gạo xuất khẩu chính thức (được đăng ký mở tờ khai hải quan) qua TQ theo tiểu ngạch trong 9 tháng đầu năm chỉ khoảng 400.000 tấn.

Một chuyên gia lúa gạo nhận định: Vì là tiểu ngạch nên khó có thể dự đoán TQ nhập nhiều hay ít, và thị trường này rất thất thường, tuần này họ có thể nhập ồ ạt, nhưng tuần sau có thể ngừng mua. Điều này chỉ ra một thực tế hết sức đáng lo ngại cho câu chuyện xuất khẩu gạo của VN. Dù buôn bán tiểu ngạch không bị coi là hoạt động bất hợp pháp, nhưng lại là một dạng thị trường độc quyền mua, khi giá cả, lựa chọn hàng, có nhận hàng hay không… gần như hoàn toàn thuộc về bên mua (cụ thể ở đây là thương lái TQ).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Xuất khẩu gạo tiểu ngạch luôn chứa đựng và bộc lộ những rủi ro vì phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, điều kiện hạ tầng, những nguy cơ về sự ách tắc của các hoạt động thông quan, rủi ro liên quan đến thanh toán, giao nhận, thủ tục… Điều này có tác động không nhỏ tới việc xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao giá trị thương hiệu cho hạt gạo VN. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu gạo tiểu ngạch cũng làm khó cho công tác quản lý, giám sát. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Nguyễn - Thiên Hương - Trần Quang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN