Mía tím sang Nhật lận đận, tiêu thụ ngóng cả vào tư thương

Sự kiện: Kinh Doanh

Dù đã xuất khẩu thành công 2 lô hàng mía tím sang Nhật Bản nhưng chặng đường phát triển của cây mía tím Hòa Bình vẫn khá gian nan khi nguồn giống đứng trước nguy cơ suy thoái, trong khi nhiều có diện tích phát triển tự phát.

Hương vị bay xa

Chuyến mía tím Hòa Bình xuất sang thị trường Nhật Bản theo hợp đồng mua bán trái cây tươi được xác lập giữa bên bán là Nông trại hữu cơ Linh Dũng (tháng 1.2019) và bên mua là Công ty cổ phần AMEII Việt Nam. Theo đó, số lượng mía tím lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản là 712kg, thành tiền gần 8,5 triệu đồng.

Mía tím sang Nhật lận đận, tiêu thụ ngóng cả vào tư thương - 1

Cây mía tím đã gắn bó với bà con người Mường ở Hòa Bình hơn nửa thế kỷ nay. Ảnh: Thuần Việt

Xứ Mường có 3 đặc sản được nhiều người nhắc đến là cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc và mía tím. Trong đó, cây mía tím đã gắn bó với bà con người Mường hơn nửa thế kỷ nay và được trồng nhiều ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn… Cây mía xứ Mường dài tới hơn 2m, gióng dài, ăn mềm và ngọt lừ.

Mía tím được đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 1kg/túi, đóng 8kg/thùng carton, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, mía giữ nguyên vỏ tím, làm sạch, chặt khúc, bỏ 100% đầu mấu.

Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết: “Sau khi gửi mẫu mía tím ở Hòa Bình xuống Công ty ANEIL, kiểm tra đạt chất lượng rồi chúng tôi mới mua thu gom mía của bà con ở huyện Kim Bôi, huyện Tân Lạc để xuất khẩu”.

Tiêu chuẩn để mía tím xuất khẩu sang Nhật rất nghiêm ngặt và khắt khe, đòi hỏi mía không bị nứt nẻ, bạc màu, không để sót mắt mía hoặc dính đất. Vì vậy trước khi xuất khẩu phải rửa sạch, lau khô, chặt khúc, bỏ 100% đầu mấu, sau đó cân định lượng 1kg/túi rồi hút chân không, bảo quản ở nhiệt độ 5 -10 độ C.

"Vừa rồi, chúng tôi xuất khẩu mía tím sang Nhật Bản 3 đợt: đợt 1 là 7,2 tạ, đợt 2 đạt 1 tấn, đợt 3 đạt 1,5 tấn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân trồng mía tím đạt chất lượng tốt, để xuất khẩu ra nước Nhật với số lượng lớn hơn" - ông Yến cho biết thêm.

Tuy vậy, số lượng mía tím được xuất khẩu sang Nhật Bản là quá ít ỏi. Thực tế, nông dân Hòa Bình vẫn canh cánh nỗi lo tiêu thụ.

Nếu như trước kia giá mía bán tại vườn lên đến 10.000 đồng/cây mà bà con vẫn không có đủ bán thì nay nhiều lúc rơi vào tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân là do cây mía được giá, nhà nhà lại lao vào trồng mía. So với những cây trồng lâu năm như cam, bưởi, bà con có vốn ít, diện tích nhỏ, trồng mía là thượng sách. Đầu năm làm rãnh, bón phân, bỏ mía giống. Cuối năm là cây mía cho thu. Đất đai, khí hậu xứ Mường lại hợp với cây mía tím, nên người trồng làm chơi ăn thật.

Từ vài trăm ha mía tím, dần dần cây mía tím đã leo lên đồi, tiến vào tận các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Sơn, Cao Phong và Tân Lạc. Khi cung vượt quá cầu, giá mía tím giảm, bà con bắt đầu không đầu tư nhiều cho cây mía khiến cây mía phát triển kém.

Vừa xuất khẩu đã dừng

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, sau mấy chuyến hàng xuất khẩu mía sang Nhật Bản, hiện nay kênh tiêu thụ này đã tạm thời dừng lại. Nguyên nhân là do giá mía xuất khẩu của nước ta phải cạnh tranh với mía của Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, tình hình tiêu thụ mía tím năm nay đang khá chậm so với những năm trước, bởi hiện nay, các loại hoa quả khác đang rất phát triển, sản lượng cũng tăng mạnh. "Giá thành sản phẩm cao là rào cản lớn nhất đối với việc mía tím sang Nhật Bản hiện nay” – ông Yến nói.

Hiện, việc tiêu thụ mía đều phụ thuộc vào tư thương, tại các khu đô thị lớn không còn cảnh bán rong truyền thống như trước đây. Do vậy, bắt buộc thời gian tới, người trồng mía cũng như tư thương cần thay đổi phương thức bán hàng mới mong sản phẩm mía tím đến được tận tay nhiều người tiêu dùng.

Giữa năm 2018, Hòa Bình xuất khẩu được vài chuyến mía tím sang Nhật. Tuy nhiên, niềm vui vừa đến cửa trước, nỗi buồn đã ùa cửa sau. Từ đầu năm đến nay, mặc dù rất nhiều cố gắng nhưng phía đối tác Nhật Bản chỉ mới đặt hàng khoảng 3 tấn sản phẩm. Khoảng 2 tuần nay, việc xuất khẩu mía tím bất ngờ phải dừng lại vì giá mía tím từ Trung Quốc sang Nhật được cho là khá thấp, vì vậy, mía tím Hòa Bình rất khó cạnh tranh.

Thực tế xuất khẩu mía tím đòi hỏi cây chất lượng. Nếu mua ở xã Phú Vinh (Tân Lạc) vào khoảng 10.000 đồng/cây đẹp đạt yêu cầu xuất khẩu, về sơ chế mỗi cây 1kg, sau khi chi phí nhân công, bao bì, nhãn mác… thành phẩm vào khoảng 17.000 đồng/kg. Với giá thành đó, phía đối tác Nhật Bản phản hồi rằng hơi cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuần Việt ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN