Mê trồng tảo "thần kỳ", thầy giáo dạy toán lãi 10 triệu/tháng
Mặc dù công việc chính là giảng dạy tại một trường trung học ở trên địa bàn xã, nhưng thầy giáo chuyên toán Nguyễn Văn Biên, 33 tuổi, thôn 3, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) vẫn tranh thủ trồng thêm tảo xoắn-loài tảo được mệnh danh là tảo "thần kỳ" vì có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Nhờ công việc tay trái này mà mỗi tháng thầy giáo trẻ Văn Biên kiếm thêm được hàng chục triệu đồng.
Vui tính, cởi mở, chăm chỉ là cảm nhận đầu tiên của Dân Việt và nhiều người khi mới tiếp xúc với thầy giáo dạy toán Nguyễn Văn Biên. Vừa dẫn chúng tôi đi xem mô hình trồng tảo, anh Biên vừa kể lại quá trình bén duyên với cây tảo xoắn Spirulina.
Anh kể, trước kia gia đình anh rất hay sử dụng các sản phẩm từ tảo xoắn Spirulina và anh nhận thấy công dụng của tảo xoắn rất tốt cho sức khỏe. Từ đó, mỗi khi rảnh anh lại lên mạng Internet tìm hiểu về loại tảo này cũng như cách trồng, kỹ thuật trồng tảo xoắn. Chẳng hiểu vì duyên nợ gì, mà càng đi vào tìm hiểu loài tảo xoắn thì càng ngày thầy giáo dạy toán Nguyễn Văn Biên càng yêu mến với loại tảo này hơn. Sau đó, anh bàn với vợ con quyết định xây nhà kính, đầu tư trang thiết bị để trồng loại tảo xoắn lạ lẫm này.
Thầy giáo dạy toán Nguyễn Văn Biên đang đi kiểm tra tốc độ phát triển của tảo xoắn trong các bể nuôi ở khu nhà kính.
Đầu năm 2017, anh Biên bỏ ra 150 triệu đồng xây dựng hơn 100m2 nhà kính và mua các trang thiết bị khác như: bể nuôi, hệ thống sủi.... Sau khi đã có bể nuôi, anh đi mua giống tảo ở các cơ sở trồng tảo xoắn, với giá là 1 triệu đồng 1 lít để về thả vào bể tiến hành trồng tảo.
"Các lần mua giống tảo đầu tiên về nuôi thử tôi đều bị thất bại. Ban đầu, tôi cứ đổ cho là tại giống nhưng khi đi mua giống tảo ở chỗ khác về trồng cũng đều bị chết hết. Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, đọc thêm tài liệu tôi mới phát hiện nguyên nhân tảo xoắn thả nuôi chết là do các điều kiện như: ánh sáng, nhiệt độ, thậm chí chất lượng nước để nuôi tảo cũng không đảm bảo nên dẫn đến tảo bị chết." anh Biên nhớ lại.
Cận cảnh bể nuôi tảo xoắn Spirulina sắp cho thu hoạch của gia đình thấy giáo dạy toán Nguyễn Văn Biên.
Ông trời cũng không phụ công người chịu khó và chăm chỉ tìm tòi, học hỏi, sau những lần thất bại đó, anh Biên vẫn mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi trồng tảo xoắn, rồi dần dần những mẻ tảo xoắn được anh nuôi trồng thành công và bắt đầu cho thu hoạch trong niềm vui sướng của cả gia đình.
Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình anh Nguyễn Văn Biên xuất bán ra thị trường được hơn 15kg tảo xoắn tươi dạng ép viên, được bán với giá 1triệu đồng/1kg, sau khi trừ chi phí anh lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Nhờ trồng tảo xoắn Spirulina mà mỗi tháng anh Biên kiếm thêm được khoảng 10 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Biên cho biết, tảo xoắn có tên khoa học là Spirulina platensis là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, có tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung các vi lượng và vitamin cần thiết nên rất tốt cho sức khỏe. Chính vì tác dụng tốt đối với sức khỏe con người mà tảo xoắn còn được mệnh danh là tảo "thần kỳ".
Cũng theo anh Biên, quy trình kỹ thuật nuôi trồng loại tảo xoắn này rất khắt khe, phải đảm bảo sạch sẽ từ trang trại, bể nuôi, nước... Trung bình cứ khoảng 20 ngày sau khi thả nuôi là có thể thu hoạch tảo xoắn được. ”Tảo xoắn của gia đình được nuôi trồng theo đúng quy trình khép kín nên sản phẩm đảm bảo chất lượng và được người dùng tin tưởng sử dụng...” anh Biên chia sẻ.
“Trồng loại tảo này không tốn thời gian chăm sóc như các loại cây trồng khác. Một ngày chỉ mất khoảng 1h đồng hồ để chăm sóc. Vì vậy, trồng loại tảo xoắn rất phù hợp với công việc và không ảnh hưởng đến việc dạy học hiện tại của tôi. Trồng loại tảo này vừa có thêm thu nhập và lại thỏa sức đam mê của mình.” anh Biên chia sẻ niềm đam mê và kinh nghiệm trồng tảo xoắn.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng tảo xoắn, anh Biên cho hay, để nuôi trồng thành công loại tảo này phải tuân theo đúng quy trình, ngoài ra cần đảm bảo các điều kiện khác như ánh sáng, nhiệt độ...Đặc biệt, cần chú ý đến nguồn nước nuôi cấy, nguồn nước thích hợp cho trồng loại tảo xoắn là nước lọc tinh khiết.