Mê Linh - Hà Nội: Nông dân “khóc ròng” vì rau... được mùa

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Đang mừng rỡ vì rau đến kỳ thu hoạch được mùa, người dân ở huyện Mê Linh, Hà Nội lại rơi vào trạng thái buồn xo vì rau rớt giá thê thảm. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tình hình giá rau giảm mạnh khiến người dân lao đao và chẳng còn mặn mà đón Tết.

Thời tiết “làm khổ” nông dân

Vụ Đông năm nay thời tiết ấm áp, ít mưa và sương muối nên rau, củ tại huyện Mê Linh được mùa. Tuy nhiên, nắng ấm kéo dài cộng với mấy ngày mưa rét đột ngột gần đây khiến rau dễ bị hỏng do úng nước nếu không thu hoạch kịp thời. Có mặt tại cánh đồng sản xuất rau thuộc thôn Trung Hậu Đoài (xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) ngày 15/1, theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, nhiều ruộng su hào bị bỏ lại do củ nhỏ, nhiều ruộng cà chua lá đã héo, quả đã chín nhưng người nông dân cũng không muốn thu hoạch.

Cũng chính vì thế mà khoảng 2 - 3 tuần trở lại đây, giá các loại rau, củ chủ yếu phục vụ Tết như su hào, súp lơ, cải đông… giảm mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái khiến những người trồng rau tại đây khốn khổ. Gặp cô Hoàng Thị Hải đúng lúc đang buộc xe hàng rau súp lơ chuẩn bị đem ra khu chợ phố Yên, vừa chất đống hàng lên xe cô vừa tâm sự: “Giá rau năm nay chỉ được đầu mùa thôi chứ mấy hôm nay giá cả chán lắm. Nhà ai may thì hòa vốn chứ không cẩn thận thì lỗ nặng. Kết hợp với thời tiết mấy ngày nay không thuận lợi nên giá cả lại càng thấp”.

Mê Linh - Hà Nội: Nông dân “khóc ròng” vì rau... được mùa - 1

Vất vả cả mùa nhưng công sức của người nông dân lại không được đền đáp nên nhiều người chẳng còn thiết tha với Tết. ảnh: T.G

Trao đổi với chúng tôi, cô Hải cho biết, nhà cô trồng tất cả nửa mẫu rau với 2 loại là súp lơ và su hào. Ruộng su hào vừa bán cô thu được 1.500.000 đồng trong khi tiền vốn bao gồm giống, thuốc trừ sâu và phân bón bỏ ra là 1.000. 000 đồng. “Trồng hơn một tháng lãi được 50 nghìn. Người nông dân vẫn lấy công làm lãi còn nếu tính cả công thì lỗ nặng. Hiện tại giá súp lơ nhà tôi đang bán cho lái buôn là 5.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cùng thời điểm này năm ngoái giá súp lơ tính theo cây là 9.000 - 10.000 đồng/cây. Số rau định bán dần đến Tết để mong được giá đắt hơn nhưng cô cũng đành phải bán hết, bởi nếu không thu hoạch súp lơ sẽ ra hoa và nếu cứ mưa thêm vài ngày như mấy hôm trước thì rau sẽ bị hỏng, đến lúc đó muốn bán cũng khó”, cô Hải nói thêm.

Cùng cảnh ngộ với cô Hải, nhà anh Nguyễn Văn Nam (ở Mê Linh, Hà Nội) đang phải thu hoạch ruộng su hào cuối cùng để bán. Anh cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái gia đình anh bán được 7.000 đồng/củ nhưng giờ bán buôn chỉ được 1.000 đồng/củ. Cả 1 túi rau (20 củ) mới bán được 20.000 đồng. Đấy là loại được, còn loại kém hơn chỉ 12.000 - 15.000 đồng/túi. Anh Nam dự tính, nếu giá cả ổn định và tình hình thời tiết thuận lợi như năm ngoái, với 4 sào rau hiện tại nhà anh sẽ thu được khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, với thời tiết thất thường như năm nay thì anh chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng. “Giá cây giống đã là 300 đồng/cây. Sau 40 - 50 ngày chăm sóc bán được 1.000 đồng/củ thì chẳng có lãi, thậm chí lỗ nặng”, anh Nam nói thêm.

Buồn thiu vì lo mất Tết

Mê Linh - Hà Nội: Nông dân “khóc ròng” vì rau... được mùa - 2

Vụ rau năm nay cô Hải bị lỗ nặng.

Cùng tình trạng rớt giá đối với các loại rau chủ lực phục vụ Tết như su hào, súp lơ là rau cải đông và cà chua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại giá rau cải đang được người trồng bán buôn là 500 đồng/kg, trong khi giá năm ngoái là khoảng 8.000 - 9.000/kg. Một sào trồng cải đông cho năng suất khoảng 2,5 tấn. Như vậy tính ra năm nay những người trồng cải cũng bị lỗ nặng. Còn đối với mặt hàng cà chua, hiện tại người trồng ở đây cũng chỉ bán được 2.000 đồng/kg, trong khi giá năm ngoái là 6.000 đồng/kg.

Tình hình giá rau giảm mạnh đúng dịp cận Tết kết hợp với điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến cho những người trồng rau tại huyện Mê Linh mất đi một nguồn thu lớn, nên khi được hỏi về việc đã chuẩn bị gì cho ngày Tết sắp tới thì người nông dân tại đây chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

“Những năm giá cả ổn định, những người trồng rau sẽ có cái Tết chu đáo. Tuy nhiên, với tình trạng như năm nay thì những loại rau, củ tốt mới được thu hoạch, nếu không sẽ bỏ tại ruộng. Nông dân như chúng tôi thua hết dân buôn. Mình bán rẻ, họ thu mua vẫn bán được với giá cao nên chỉ nông dân là thiệt thôi. Nhưng trách làm sao được, mình kém cỏi chỉ biết làm nông, họ giỏi họ đi buôn. Với tình hình này thì cũng không còn thiết tha ăn Tết nữa ”, một người dân buồn bã nói.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, cả huyện có khoảng 1.150ha rau màu, trong đó xã Tiền Phong chiếm khoảng 119ha. Hỏi về kế hoạch hỗ trợ người nông dân sản xuất rau vụ mùa nói chung và dịp Tết nói riêng, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh) cho biết, ngoài các đề án tập trung rau chuyên canh, hỗ trợ giống cây trồng và tập huấn cho nông dân, các kế hoạch hỗ trược được xây dựng theo lộ trình lâu dài. Tuy nhiên, riêng đối với xã Tiền Phong thì chưa có vì kế hoạch hỗ trợ mới chỉ áp dụng ở một số nơi. “Đối với vùng sản xuất rau màu tại xã Tiền Phong thì mới chỉ có khu tập trung buôn bán. Việc hỗ trợ nơi tiêu thụ tại các siêu thị lớn để tránh tình trạng được mùa rớt giá mới chỉ được áp dụng tại một số vùng như Đông Cao (Tráng Việt, Mê Linh)”, bà Hà cho hay.

Thời gian tới hy vọng việc “phủ sóng” đề án tập trung rau chuyên canh trên toàn huyện Mê Linh được đẩy mạnh để người dân yên tâm sản xuất, rau sản xuất ra không còn phải lo được mùa thì mất giá.

“Đối với vùng sản xuất rau màu tại xã Tiền Phong thì mới chỉ có khu tập trung buôn bán. Việc hỗ trợ nơi tiêu thụ tại các siêu thị lớn để tránh tình trạng được mùa rớt giá mới chỉ được áp dụng tại một số vùng như Đông Cao (Tráng Việt, Mê Linh)”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh) cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Vân (Gia đình & Xã hội)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN