Máy tính xách tay “cháy hàng” vì học và làm trực tuyến

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Máy tính xách tay đang là sản phẩm được “săn lùng”. Không chỉ người dân phải làm việc online, sắp tới, nhiều học sinh các cấp ở một số tỉnh cũng sẽ học trực tuyến.

Laptop phân khúc tầm trung tăng “đột biến”

Theo thông tin đăng tải trên Vnexpress, trong tháng 8, hệ thống FPT Shop ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với tháng 7 và 100% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng laptop. Riêng phân khúc 20 triệu đồng có mức tăng đột biến, khoảng 70% so với tháng trước và 200% so với năm 2020.

Đối với các mẫu tầm giá 20 triệu đồng, đại diện FPT Shop cho biết người mua thường chọn thiết bị có cấu hình mạnh, camera độ phân giải cao, mỏng nhẹ, dễ di chuyển. 

Tương tự, CellphoneS và một số hệ thống lớn khác cũng ghi nhận mức tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong mảng laptop. Trong đó, phân khúc đang bán chạy nhất là các dòng từ 15 triệu đến trên 20 triệu đồng. Một số mẫu được người dùng quan tâm như HP Pavilion 15 (18,5 triệu đồng), Acer Aspire 7 A715 (20,5 triệu đồng), Lenovo Ideapad 5 (20,6 triệu đồng) hay dòng MacBook Air giá từ 25 triệu đồng.

Giải đáp lý do cho sự tăng trưởng mạnh của phân khúc laptop này, anh Lê Minh, một nhân viên tư vấn siêu thị điện máy cho biết, vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp và căng thẳng nên nhiều nhân viên, học sinh sinh viên phải học và làm việc trực tuyến.

Vì dịch bệnh kéo dài, nhu cầu sử dung máy tính xách tay ngày càng lớn. Ảnh: Internet. 

Vì dịch bệnh kéo dài, nhu cầu sử dung máy tính xách tay ngày càng lớn. Ảnh: Internet. 

“Nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho các mẫu máy tính tốt vì xác định việc học và làm việc từ xa là lâu dài. Do đó, họ quan tâm nhiều tới độ bền, thời gian bảo hành, cấu hình máy, thời lượng pin và chất lượng camera”, anh Minh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, đánh giá phân khúc máy tính xách tay tầm trung được chọn nhiều hơn cho thấy xu hướng học tập và làm việc từ xa đã trở thành cấp thiết và là chiến lược dài hơi của không ít người. "Lúc này các hãng, các chuỗi bán lẻ sẽ bỏ bớt việc cạnh tranh về giá cả và khuyến mãi, mà tập trung vào việc cung ứng đủ hàng hóa và có thể giao tới khách hàng một cách an toàn trong mùa dịch", ông Huy cho biết.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop của FPT Shop, đánh giá xu hướng chọn mua laptop tầm trung sẽ tiếp tục diễn ra khi đại dịch khiến đa số các trường học chuyển qua học trực tuyến và các công ty chuyển sang làm việc từ xa. Mọi người cần một thiết bị đủ mạnh để đáp ứng đa dạng nhu cầu hơn. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng người mua nên xét đến các tiêu chí về nhu cầu sử dụng, số lượng máy cần mua, điều kiện kinh tế và phương án sử dụng lâu dài để đưa những quyết định mang tính hợp lý nhất, thay vì chạy đua với các sản phẩm cấu hình và giá bán cao.

Bên cạnh đó, thị trường máy tính cũ cũng không kém phần sôi động. Theo chủ một cửa hàng máy tính, điện thoại tại Tp. Vinh, các loại máy tính cũ đã được tân trang lại như mới có giá thấp nhất tầm 5-6 triệu đồng rất đắt hàng.

“Dù các loại máy này chỉ có chip và ram rất yếu, nhưng đối tượng khách hàng là phụ huynh học sinh hỏi mua rất nhiều. Tuy nhiên hàng cũng khá khan hiếm. Bởi đây là loại máy rẻ nhất, nên khi học trực tuyến thì có thể bị chậm hoặc dễ bị out ra ngoài. Giá rẻ nên việc mua máy cũ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phụ huynh nên nhờ người quen có kiến thức để mua, tránh việc bị lừa mua phải những chiếc máy quá cũ nát…”, anh Giang Nam chủ hàng này cho biết.

Từ phụ huynh đến giáo viên lo lắng 

Trao đổi với báo Thanh Niên, chị Ngô Thị Huynh (ngụ 58 Trần Quang Khải, quận 1, Tp.HCM) có 2 con nhỏ chuẩn bị vào lớp 4 và lớp 7 cũng đã phải “bấm bụng” chi 28 triệu đồng để mua 2 chiếc máy tính xách tay.

“Học bằng điện thoại thì con bị nhức mắt, hại mắt lắm. Hơn nữa dịch khả năng còn kéo dài, trước sau gì các con cũng phải có phương tiện để học tập, thôi thì bấm bụng mua luôn!”, chị Huynh chia sẻ.

Tuy nhiên, vì 2 con đều đang ở quê tránh dịch với bà ngoại, chị Huynh cũng băn khoăn không biết không có bố mẹ bên cạnh hỗ trợ thì các con có học tập hiệu quả không vì bà ngoại cũng lớn tuổi không rành về công nghệ.

Máy tính trở thành thiết bị không thể thiếu trong buổi học trực tuyến của học sinh sinh viên. Ảnh: Vnexpress. 

Máy tính trở thành thiết bị không thể thiếu trong buổi học trực tuyến của học sinh sinh viên. Ảnh: Vnexpress. 

Còn đối với phụ huynh có con sắp vào lớp 1, anh Lê Nam (Hà Nội) chia sẻ với Vnexpress, bản thân cũng đang “khá” đau đầu về thiết bị học online. Với ngân sách dưới 5 triệu đồng, anh được người bán hàng tư vấn bộ máy tính để bàn đã qua sử dụng. Ban đầu anh nghĩ máy tính để bàn có màn hình lớn và giúp con có tư thế ngồi học nghiêm túc hơn. Tuy nhiên đến khi vào học, anh mới biết cần sắm thêm webcam, micro để phát biểu, máy in để khi cần sẽ in tài liệu cho con làm bài. Số tiền mua thiết bị học cho con, dù chỉ là loại rẻ, "ngốn" của anh cả chục triệu đồng, trong khi thu nhập cả gia đình đang giảm vì dịch bệnh.

Không chỉ các phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy lo lắng khi bắt nhịp với cách thức dạy học trực tuyến.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận 3 nêu ý kiến: "Học sinh tiểu học không có được ý thức học tập như học sinh THCS, THPT. Nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 lại càng khó vì các em vẫn còn ham chơi, khó tập trung được lâu. Vì vậy, việc dạy học trên Internet đối với học sinh tiểu học là đẩy trách nhiệm về phía phụ huynh. 

Nếu phụ huynh không đồng hành thì trẻ tiểu học không thể học từ xa. Dù dịch bệnh khó khăn, vất vả, nhiều phụ huynh vẫn cố gắng hỗ trợ con em học tập. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con học".

Tương tự, cô H.T.T. - giáo viên lớp 2 ở Tp.Thủ Đức tâm sự: "Năm học trước chỉ dạy online trong một thời gian ngắn mà tôi phải làm cầu nối giảng hòa cho hai gia đình vì những xung đột giữa cha mẹ và con cái. Tôi phải nói chuyện với phụ huynh và thống nhất là nếu ba bé nóng tính quá thì để mẹ dạy bé. Nhưng tình hình chỉ êm thấm được vài ngày. Cả ngày làm việc vất vả, buổi tối về lại phải dạy con học mà con thì hay mất tập trung nên người mẹ cũng không thể kiềm chế. Lúc đầu chị cáu quá nên đánh vào tay, phát vào đùi con, sau đó là sắm luôn một cây roi để kế bên trong lúc dạy con học".

Tuy nhiên, đối với những học sinh có con vào lớp 1, học trực tuyến trở thành một "thử thách khó nhằn". Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Tuy nhiên, đối với những học sinh có con vào lớp 1, học trực tuyến trở thành một "thử thách khó nhằn". Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Song, chuyện chuẩn bị thiết bị học trực tuyến không phải là chuyện dễ dàng với tất cả mọi người.

Ông Lê Văn Bồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi - cho hay: "Trường chúng tôi chỉ có 30% phụ huynh sắm được máy tính có nối mạng Internet cho con em học tập. 

Số còn lại thì học trên điện thoại di động nhưng màn hình điện thoại quá nhỏ nên hiệu quả học tập của học sinh cũng hạn chế. Như vậy vẫn còn đỡ, nhiều phụ huynh trường tôi còn không có điện thoại thông minh mà chỉ dùng điện thoại dạng "cục gạch"".

Ông Bồng cho biết thêm: "Năm học trước với những gia đình khó khăn thì giáo viên photo bài giảng, bài tập gửi đến nhà cho phụ huynh hoặc mời phụ huynh qua trường nhận để về hướng dẫn con học. Năm nay nếu tình hình dịch bệnh không giảm, tình trạng giãn cách kéo dài thì cũng không thể thực hiện phương án này".

Nguồn: [Link nguồn]

”Phát lộ” hàng ngàn bộ kit test nhanh COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu, không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường

Sáng 01/9, Tổng cục QLTT cho biết, 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu vừa được lực lượng chức năng tỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Han ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN