Mất tiền “oan” vì mua thiết bị vệ sinh giá rẻ
Hiện nay, các sản phẩm thiết bị vệ sinh giá rẻ, không rõ nguồn gốc, được bày bán tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng không kiểm tra kỹ dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Ham hàng giá rẻ… thành đắt
Tin tưởng lời tư vấn của nhân viên bán hàng về sản phẩm được sản xuất theo công nghệ Tây Ban Nha, anh Trần Hoàng Tuấn (huyện Nhà Bè, TP HCM) chọn mua bộ thiết bị ngoại nhập, gồm bồn cầu, chậu rửa kèm vòi và sen tắm với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, mới dùng được vài tháng, bề mặt sứ và nắp nhựa đã xuất hiện khá nhiều vết rạn, hoen bẩn, khó cọ rửa.
Người tiêu dùng cẩn trọng với thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa.
Nhiều lần gọi điện đến cửa hàng yêu cầu bảo hành, anh Tuấn bị từ chối với lý do hãng chưa có trung tâm bảo hành tại Việt Nam và cũng không có sẵn phụ kiện thay thế, phải chờ để nhập khẩu. Kết quả sau một thời gian chờ đợi nhưng không được giải quyết thỏa đáng, anh đành thuê đơn vị thi công đến thay toàn bộ thiết bị.
“Ban đầu, tôi tính mua hàng rẻ để bớt phần nào chi phí. Ai ngờ, chỉ mới sử dụng vài tháng đã phải bỏ ra hơn chục triệu đồng thuê thợ đến tháo dỡ và mua thiết bị mới, coi như mất một khoản tiền”, anh Tuấn bày tỏ.
Cũng vì muốn tiết kiệm chi phí khi xây nhà, anh Nguyễn Văn Nhân (quận Bình Thạnh, TP HCM) chọn bộ thiết bị vệ sinh ngoại nhập giá 5 triệu từ cửa hàng thiết bị vệ sinh gần nhà, để tiện bảo hành. Sau hơn nửa năm, gia đình anh thường xuyên gặp bất tiện khi loạt thiết bị phòng tắm hỏng hóc, đặc biệt là các bộ phận có tần suất sử dụng cao như vòi nước rửa tay, nút nhấn nước bồn cầu…
Khi liên hệ cửa hàng, anh Nhân bị từ chối bảo hành do đã quá thời hạn 6 tháng từ ngày mua. Chấp nhận trả thêm phí sửa chữa nhưng vì cửa hàng nhỏ, không có thợ và cũng không có sẵn phụ kiện thay thế, anh đành gọi đơn vị thi công khác đến thay toàn bộ thiết bị.
“Tính cả chi phí thay mới, tổng số tiền đầu tư cải tạo nhà tắm đội lên gấp 3 lần so với dự tính ban đầu”, anh Nhân chia sẻ.
Đội Quản lý Thị trường số 8 thu giữ 5.275 sản phẩm thiết bị vệ sinh không có nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: QLTT.
Tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm
Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, các sản phẩm giá rẻ đang được bày bán chung với hàng của thương hiệu uy tín tại nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh ở TP HCM và tỉnh, thành khác. Tên thương hiệu và mẫu mã rất đa dạng, được nhân viên bán hàng quảng cáo “sản xuất theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, Nhật Bản”, hay “Công nghệ châu Âu”.
Anh Nguyễn Tấn Tài, chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh tại quận 8, TP HCM, thừa nhận, việc bán thêm sản phẩm ngoại nhập giá rẻ xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng muốn có thêm nhiều lựa chọn về mẫu mã, giá thành.
Ngoài ra, nếu xét về bài toán kinh tế, khi phân phối sản phẩm của một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, theo quy định của chính sách bán hàng, mức chiết khấu tối đa 20 - 30% theo giá bán đề xuất. Nhưng với sản phẩm nhập từ đầu mối buôn hàng ngoại, mức chiết khấu có thể lên tới 40 - 50%. Do đó, đa số cửa hàng đều bán thêm sản phẩm ngoại nhập giá rẻ.
Tuy nhiên, người bán lẻ cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị vệ sinh giá rẻ. Chưa kể, những sản phẩm này thường gặp khó khăn trong khâu bảo hành. Ví dụ, nếu mua hàng gốm sứ có thương hiệu uy tín, khách hàng được cam kết “một đổi một” trong 10 ngày, bảo hành lên tới 10 năm, có tổng đài chăm sóc khách hàng riêng. Với hàng không rõ xuất xứ, đa phần không có phụ kiện thay thế lúc hư hỏng, các cửa hàng cũng không nhận bảo hành.
Mới đây, Đội Quản lý Thị trường số 8 (Cục Quản lý Thị trường TP HCM) phối hợp Công an phường 2, quận Tân Bình, kiểm tra cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, nằm trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này kinh doanh 5.275 sản phẩm thiết bị vệ sinh không có hóa đơn, chứng từ minh chứng nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, với tổng giá trị gần 117 triệu đồng.
Đội Quản lý Thị trường số 8 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh, trình Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố xử phạt 95 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính trên.
Để tránh rơi vào tình cảnh “mất tiền oan”, người tiêu dùng cần chú ý nguồn gốc sản phẩm, xác thực rõ xuất xứ thông qua tem kiểm định, mã định danh QR code và thông tin in trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, khách nên cẩn trọng với mặt hàng có nhiều nhãn dán, bao bì thô sơ, không hình ảnh minh họa hoặc có nhưng thiếu tính hoàn thiện.
Ngoài ra, người mua hàng cần tìm hiểu và làm rõ minh bạch về thời gian, phương thức và địa chỉ bảo hành. Thông thường, mỗi sản phẩm bán ra sẽ đi kèm phiếu bảo hành có thông tin cụ thể về thương hiệu, dấu đỏ doanh nghiệp, thông tin bảo hành, tên sản phẩm, thời gian và địa chỉ bán hàng và đơn vị bảo hành.
Nếu gặp trường hợp mua hàng nhưng thời hạn bảo hành ngắn, không có sẵn thiết bị thay thế hoặc không có phiếu bảo hành, người tiêu dùng nên cân nhắc để tránh mua hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng loạt nông sản như: hạt điều, gia vị, sầu riêng,… nhập khẩu vào châu Âu dự kiến siết chặt thêm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm