Mật ong đắng nghét với thuế hơn 400% từ Mỹ
Ngành ong Việt Nam hy vọng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ hơn 400% hết sức vô lý từ Mỹ sẽ được thay đổi ở phán quyết cuối cùng vào tháng 4
Mật ong Việt Nam làm ra chủ yếu được xuất khẩu, trong đó hơn 90% xuất sang Mỹ nên nếu thị trường này bị đánh mất sẽ tác động tiêu cực lên toàn ngành. Hiện các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện các biện pháp với kỳ vọng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có thể đưa ra phán quyết cuối cùng một cách công bằng.
Mức thuế phi lý
Những thông tin bất lợi cho mật ong Việt Nam từ thị trường Mỹ bắt đầu từ tháng 4-2021 khi Hội Các nhà nuôi ong Mỹ nộp đơn lên DOC yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Ukraine. Đến cuối tháng 11-2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%, mức thuế cao đến khó tin này sẽ chặn đường xuất khẩu mật ong vào Mỹ trong khi thuế suất cho các nước khác chưa đến 30%.
Một cửa hàng giới thiệu mật ong xuất khẩu trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP HCM
Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, mật ong Trung Quốc từng bị áp thuế hơn 200% vào năm 2001, sau đó họ không còn xuất sang Mỹ. "Mức thuế sơ bộ mà DOC đưa ra gây kinh ngạc không chỉ cho Việt Nam mà cả các DN nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ do có nhiều phi lý. Đầu tiên là bên đưa đơn kiện là Hội Các nhà nuôi ong Mỹ đề nghị mức thuế 207% đến Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) xác định sơ bộ là hơn 100% nhưng DOC lại đưa ra mức thuế hơn 4 lần. Tiếp theo là Ấn Độ, nơi DOC sử dụng số liệu làm "giá trị thay thế" (do Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nước kinh tế thị trường) cho Việt Nam, cũng là nước cùng bị điều tra bán phá giá mật ong nhưng chỉ bị áp mức thuế sơ bộ 6,7% (Việt Nam chịu thuế cao hơn 61 lần). Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết DOC không dựa số liệu giá thành mật ong do nông dân Ấn Độ sản xuất mà dùng số liệu từ mật ong nhập khẩu Ấn Độ xuất xứ New Zealand, Úc… đã bao gồm chi phí bao bì, thuế nhập khẩu nên giá rất cao" - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam phân tích. "Sự phi lý này khiến người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây cũng lên tiếng về vụ việc cũng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành trao đổi với phía Mỹ ở các cấp khác nhau để giải quyết, để phía Mỹ giải quyết vụ việc trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và DN Việt Nam" - ông Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, vụ kiện tác động lên 35.000 nông dân nuôi ong Việt Nam, lực lượng lao động gián tiếp lên tới 40.000 người và giá trị kinh tế khoảng 100 triệu USD/năm. Các DN trong ngành hầu hết là nhỏ nên rất vất vả trong việc theo đuổi vụ kiện.
Nửa triệu USD đã là quá sức
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ong mật Đắk Lắk - 1 trong 2 bị đơn bắt buộc của vụ kiện, cho hay ông đã nộp đơn khiếu nại lên DOC và đang đợi kết quả. Ông khẳng định mật ong Việt Nam không cạnh tranh với mật ong Mỹ do chủ yếu dùng trong chế biến, không bán trực tiếp cho người tiêu dùng như mật ong Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam đã xuất khẩu mật ong sang Mỹ từ năm 1991, sản lượng ổn định, không đột biến nên việc ngành nuôi ong Mỹ nói mật ong Việt Nam tác động tiêu cực lên họ là không hợp lý. "97% doanh thu của DN đến từ xuất khẩu mà Mỹ là thị trường chính nên chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, xuất khẩu năm 2021 sụt giảm đến 30%. Tình hình năm nay rất ảm đạm khi chưa thể tìm được khách hàng thay thế. Đến nay, chúng tôi đã chi hơn nửa triệu USD để theo đuổi vụ kiện, số tiền này thật sự quá sức so với DN nên tương lai nếu diễn biến bất lợi sẽ càng khó khăn hơn vì phải tốn chi phí gấp nhiều lần để kiện lên cấp cao hơn hoặc ra WTO như ngành tôm, cá tra đã làm" - ông Vân lo lắng.
Tương tự, Công ty CP Ong mật TP HCM (Behonex) là bị đơn tự nguyện nhưng cũng đã bỏ ra 12.000 USD để tham gia vụ kiện. Theo ông Đặng Bá Long, giám đốc điều hành công ty, vì ngành mật ong Việt Nam quá phụ thuộc thị trường Mỹ nên nếu bị áp thuế mức sơ bộ như trên, toàn ngành có thể bị "triệt hạ". "Với đặc điểm mùa vụ khai thác từ tháng 3-10 hằng năm nên khi Mỹ công bố thuế sơ bộ vào cuối tháng 11 chưa tác động ngay đến thị trường mật ong trong nước cũng như xuất khẩu. Phải đến tháng 4, cao điểm thu hoạch mật ong, rất có thể sẽ xảy ra khủng hoảng thừa, giá cả xuống đáy vì DN không có đầu ra sẽ không thể thu mua nguyên liệu" - ông Long dự đoán.
Ông Long cho biết Behonex đã kinh doanh nội địa từ lâu nhưng tỉ lệ doanh thu còn thấp, chưa đến 30% tổng doanh thu, chủ yếu do người tiêu dùng Việt chưa xem mật ong là thực phẩm dùng hằng ngày mà vẫn xem đây là thuốc, chỉ dùng khi ốm đau. "Mật ong tuy giá cao hơn đường nhưng không quá đắt, chỉ với 100.000 đồng/lít, người tiêu dùng có thể mua một chai mật ong để pha thức uống hằng ngày, rất tốt cho sức khỏe. Nếu giá trị mật ong được nhìn nhận đúng thì với 100 triệu dân Việt Nam sử dụng mật ong như người dân Mỹ, EU, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm không phải là nhiều. Tuy nhiên, đó là tương lai xa, còn trong ngắn hạn vài năm tới, nếu mất thị trường Mỹ, ngành ong mật sẽ cực kỳ khó khăn" - ông Long bày tỏ.
Ngành thuần túy Việt Nam
Ngày 28-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết vụ việc đang trong giai đoạn chờ DOC ra phán quyết cuối cùng, dự kiến công bố vào tháng 4. "Các bên liên quan vụ việc đã gửi ý kiến để DOC xem xét, chúng tôi cũng đã gửi ý kiến phản đối phương pháp tính gây kết quả bất lợi cho Việt Nam. Rất khó để đưa ra nhận định về kết quả vụ việc vì đây là vụ kiện chống bán phá giá, dữ liệu DN cung cấp cho DOC là mật nên không có cơ sở để đánh giá. Về giá trị xuất khẩu, ngành mật ong không lớn so với nhiều ngành hàng khác nhưng đây là ngành thuần túy Việt Nam từ nông dân đến DN xuất khẩu, không có DN nước ngoài nên vụ việc rất được các bộ - ngành liên quan quan tâm" - lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại bày tỏ.
Ngành sản xuất mật ong của Việt Nam đang đối mặt với một thách thức mới khi Bộ Thương mại Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá với mật ong Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]