Mạo hiểm đem rắn độc về nhà nuôi, 8x Hà Tĩnh bắt rắn mỗi ngày
"Mạo hiểm" đem giống rắn hổ trâu, hổ mang về nuôi trong nhà, anh Nguyễn Văn Thịnh (SN 1985, trú tại thôn 5, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đút túi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Như bao gia đình khác ở vùng đất độc canh cây lúa xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), những năm trước, dù nỗ lực, lam lũ, đời sống của gia đình anh Thịnh vẫn không có của ăn của để.
Không chấp nhận sống cảnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, năm 2009, anh Thịnh đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Sau 6 năm xuất khẩu lao động, với một ít vốn liếng đã tích cóp được, anh trở về quê hương với hi vọng làm giàu.
Anh Thịnh cho biết nuôi rắn độc phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt nếu đi uống rượu về không nên vào chuồng rắn bởi rắn sẽ tấn công mình ngay.
Nhận thấy nghề nuôi rắn ở thị trường Đài Loan có hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Văn Thịnh cùng cha mình là ông Nguyễn Văn Nhuần quyết tâm xây dựng mô hình nuôi rắn. Sau khi tìm hiểu qua báo chí, sách vở, hai cha con ông lặn lội tìm đến làng chuyên nghề nuôi rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc để học nghề, mua con giống.
Sau 4 năm nuôi rắn không ít lần đối mặt với nguy hiểm, thất bại, đến nay trang trại của anh có hơn 300 con rắn hổ mang chúa và 500 con rắn hổ trâu.
Điều làm anh Thịnh hứng thú với con rắn là vì vật nuôi này không những dễ nuôi mà còn dễ dàng được tiêu thụ, nuôi được bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu với giá cả có lãi cao. Sau khi trừ chi phí, anh có lãi cả trăm triệu mỗi năm.