Mạng di động ảo đầu tiên bị thu hồi giấy phép
Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh mạng di động ảo của Đông Dương Telecom do không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời gian quy định và một vài lần trì hoãn.
Mạng di động ảo Đông Dương Telecom là mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam được cấp phép vào ngày 19-8-2009.
Mạng di động ảo là doanh nghiệp viễn thông di động nhưng không được cấp phép băng tần để kinh doanh nên phải hợp tác với mạng di động thật để kinh doanh, cung cấp dịch vụ.
Lúc đó mạng di động thật đóng vai trò là người bán buôn, còn mạng di động ảo như một đại lý của mạng di động thật để bán lẻ dịch vụ viễn thông di động đến người dùng.
Trước khi mạng di động ảo Đông Dương Telecom bị thu hồi giấy phép, trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã nhận định, còn rất ít cơ hội cho mạng di động ảo tại Việt Nam bởi thị trường viễn thông di động của Việt Nam đã mở cửa cạnh tranh từ lâu. "Thị trường đã cạnh tranh rất quyết liệt với sự tham gia của nhiều mạng di động thật. Khi giá cước di động giảm xuống gần tới giá thành và thấp so với khu vực cũng như thế giới thì mạng ảo sẽ không còn cơ hội, không còn đất sống", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, mạng ảo thường xuất hiện khi thị trường viễn thông còn độc quyền, giá cước còn cao và hệ thống phân phối còn chưa phát triển, hoặc khi thị trường viễn thông di động còn ở mức độ cạnh tranh chưa cao giữa các nhà mạng. Đó là thời điểm tốt để ra đời các mạng ảo để bán lẻ dịch vụ viễn thông di động. Trên thị trường viễn thông thế giới, trước khi mở cửa cho nhiều mạng di động thật cạnh tranh với nhau, họ mở cửa cho các nhà bán lẻ là các mạng di động ảo. Tại các thị trường này, các mạng di động thật không tập trung nhiều cho việc bán dịch vụ đến tận tay người dùng mà sử dụng nhà phân phối dịch vụ, và đó là cơ hội cho mạng di động ảo.
“Bởi bản thân mạng ảo là người trung gian, đại lý bán lại dịch vụ di động, không có tần số và phần lớn không có hạ tầng (trạm thu phát sóng, mạng…) thì làm sao cạnh tranh được với mạng di động thật. Chưa kể tới hiện các mạng di động tại Việt Nam cũng đang là người đi bán lẻ trực tiếp với hệ thống chân rết sâu rộng và bán sát giá thành rồi thì làm sao còn cơ hội cho mạng ảo cạnh tranh", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết thêm giá bán dịch vụ viễn thông đã được các nhà mạng bán trực tiếp đến người dùng rẻ đến mức không thể rẻ hơn thì mạng ảo sao có thể làm đại lý bán lại dịch vụ được nữa.
Mặc dù nhận thấy cơ hội kinh doanh mạng di động ảo không còn, song theo luật thì cơ quan quản lý phải cấp phép cho các đơn vị muốn kinh doanh mạng di động ảo nếu họ có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện quy định của việc cấp phép.
Nói về khả năng của mạng di động ảo thứ hai được cấp cho VTC, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, cho biết rất có thể VTC sẽ không triển khai mạng di động ảo như kế hoạch cách nay hơn hai năm nữa vì tổng công ty này đang được tái cơ cấu nên sẽ hoạch định lại chiến lược kinh doanh, có thể chỉ tập trung vào một số mảng kinh doanh như dịch vụ nội dung, truyền hình…